Cụ thể, theo Bộ Giao thông vận tải, cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm đi qua 3 huyện của tỉnh Khánh Hòa được triển khai từ tháng 9/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2023 song nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cam kết rút ngắn tiến độ 3 tháng. Đến nay, vướng mắc về nguồn vật liệu đắp nền đường của dự án cơ bản đã được tháo gỡ. Dự án có chiều dài tuyến 49,1 km, tổng mức đầu tư 5.536 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn vay huy động) là 2.557 tỷ đồng; phần vốn nhà nước là 2.979 tỷ đồng.
Đối với dự án PPP cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự án này có chiều dài 78,5 km đi qua tỉnh 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước tham gia thực hiện khoảng 5.139 tỷ đồng. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 9/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2024. Nhà đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 đã cam kết rút ngắn tiến độ thực hiện dự án 3 tháng. Đến thời điểm này dự án có sản lượng thực hiện đạt 17,25% giá trị hợp đồng, chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do yếu tố chủ quan nhà thầu (Công ty cổ phần Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194).
Trong khi đó dự án PPP cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là dự án đáng lo ngại nhất khi sản lượng mới đạt 7,6% giá trị hợp đồng, chậm 2,6% so với tiến độ điều chỉnh.
Dự án này đi qua hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có chiều dài 49,3 km, được khởi công tháng 5/2021, dự kiến hoàn thành tháng 5/2024. Dự án này tổng vốn đầu tư là 11.157,82 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư là 5.090 tỷ đồng, phần vốn nhà nước là 6.067 tỷ đồng. Nhà đầu tư là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ dự án này chủ yếu do nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng. Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu nhà đầu tư lập tiến độ thi công điều chỉnh, bố trí nguồn lực bảo đảm tiến độ chung của Dự án. Trong tháng 6 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập 2 tổ công tác kiểm tra, giám sát tiến độ, chấn chỉnh đôn đốc các đơn vị khẩn trương thực hiện Dự án.
Trở lại với câu chuyện cam kết của nhà đầu tư dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ đưa dự án này vượt trước tiến độ 3 tháng. Vậy từ cam kết với Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đến công trường của nhà đầu tư có thực sự thực chất?
Để trả lời cầu hỏi này, phóng viên TTXVN đã thị sát tại công trường dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm những ngày tháng 7 này, cảm nhận đầu tiên là ấn tượng về cách quản lý, vận hành công trường dự án rất khoa học, các nhà thầu triển khai theo hình thức làm đến đâu dứt điểm đến đó. Các hạng mục cầu, cống, hầm Dốc Sạn đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt, nhiều đoạn tuyến nhà thầu đã thảm nhựa bê tông nhựa.
Đại diện nhà đầu tư cho biết, trên công trường đang huy động trên 1.500 công nhân thi công 3 ca liên tục. Hiện thời tiết đang thuận lợi, nhà thầu tranh thủ thảm nhựa những đoạn tuyến đã xong phần nền đường. Dự kiến, tới giữa năm sau cơ bản hoàn thành dự án và vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch đề ra.
Ông Trần Văn Hợp, cán bộ giám sát thi công dự án tại hiện trường dự án Cam Lâm - Nha Trang trực tiếp đưa phóng viên đi tuyến chia sẻ, dự án đã vượt qua nhiều khó khăn do dịch COVID-19 trong năm 2021 và điều kiện thời tiết bất lợi, khắc phục mọi khó khăn phát sinh về nguồn vật liệu đất đắp, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao để đáp ứng tiến độ và cam kết với Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
Trong khi đó trên công trường dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nhà thầu này cũng rất quyết tâm đưa dự án vượt tiến độ 3 tháng như cam kết với Thủ tướng chính phủ.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả thông tin, hiện nay cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã triển khai 45 mũi thi công tại 16 gói thầu xây lắp chính. Hiện toàn dự án đã huy động trên 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân và hơn 700 máy móc thiết bị đến hiện trường.
Đầu tháng 5/2022, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức phát động thi đua rút ngắn tiến độ thi công tại dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo với mức thưởng cho các cá nhân và tập thể lên tới 150 triệu đồng.
Thời điểm hiện tại thời tiết nhiệt độ thường xuyên ở mức khoảng 37 - 38 độ C, nhưng phóng viên vẫn cảm nhận được những kỹ sư, công nhân đang vượt qua khó khăn về thời tiết để hoàn thành các công việc trên công trường.
Phóng viên có mặt tại công trường thi công phía Nam hầm núi Vung - một trong những những hạng mục lớn nhất của dự án vào lúc 10 giờ đêm hiện ra trước mắt là một đại công trường sáng rực, các mũi thi công hầm vẫn thi công 3 ca.
Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ khu điều hành, ăn ở của cán bộ, công nhân ở ngay cạnh công trường bởi đường giao thông vào khu vực thi công núi Vung rất khó khăn, độc đạo khi cách đường Quốc lộ 1 hàng chục cây số với sự thiếu thốn từ nhiều thứ khi ở xa khu dân cư.
Cùng ăn ở với kỹ sư, công nhân viên tại công trường thi công núi Vung một đêm để cảm nhận được nỗi vất vả của những những người đã chọn nghề làm đường. Nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân chia sẻ đã 3 - 4 tháng chưa về thăm gia đình. Thấu hiểu những thiếu thốn khó khăn như vậy, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đã quan tâm đến chỗ ăn, ở của cán bộ, công nhân rất chu đáo, các phòng đều được lắp điều hòa, trang bị đầy đủ wifi; đặc biệt khu sinh hoạt, ăn ở rất sạch sẽ để đảm bảo sau mỗi ngày làm việc trở về đều có giấc ngủ sâu, qua đó tái tạo được sức lao động.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hạng mục hầm Núi Vung có thời hạn thi công là 30 tháng. Tuy nhiên nhà thầu cam kết hoàn thành vào tháng 12/2023 (rút ngắn khoảng 3 tháng so với kế hoạch).
Đầu tháng 7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Sau khi đi kiểm tra, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các nhà đầu tư, đơn vị thi công, địa phương đã khắc phục khó khăn về giá nguyên, nhiên liệu tăng cao thời gian qua để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công thực hiện dự án.
Đến thời điểm hiện tại, phân đoạn từ Km92+260 - Km134 do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện đạt 20,5% giá trị sản lượng, vượt tiến độ đề ra. Trong khi đó, phân đoạn Km54 - Km92+260 do Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 thực hiện được 14% giá trị sản lượng, chậm tiến độ với kế hoạch. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tiến độ chung của toàn dự án bị chậm so với kế hoạch cam kết.
Về dự PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, ông Trương Đức Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án Diễn Châu - Bãi Vọt) cho biết, chủ đầu tư kiên quyết có biện pháp mạnh điều chuyển khối lượng hoặc thay thế nhà thầu nếu không đáp ứng được.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chia sẻ, để đưa 3 dự án cao tốc Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức PPP về đích theo tiến độ, thời gian tới Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, Ban quản lý dự án cường kiểm tra hiện trường, tổ chức họp giao ban hàng tuần; yêu cầu các Ban quản lý dự án bố trí lãnh đạo, tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành, giải quyết kịp thời các vướng mắc.