Đằng sau hành động 'bơm tiền' của Ngân hàng TW Trung Quốc

Chưa đầy 24 tiếng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm chính sách nới lỏng định lượng (QE), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã phải bơm tiền vào thị trường, nhưng là qua kênh SLO chứ không phải kênh Repo như thường lệ.

PBoC bơm tiền nhưng chưa thể làm giảm lãi suất liên ngân hàng ở Trung Quốc. Ảnh: AFP - TTXVN


Rạng sáng 19/12, thông tin FED cắt giảm 10 tỉ USD trong chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỉ USD một tháng, tiếp tục duy trì chính sách lãi suất siêu thấp được đưa ra, sau đó đã trở thành động lực phủ màu xanh lên hầu hết các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn nối dài chuỗi ngày giảm điểm.

Tối 19/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) bất ngờ đưa ra thông báo khởi động công cụ điều tiết tính thanh khoản ngắn hạn (SLO) và cho biết thêm trong tương lai sẽ vận dụng linh hoạt SLO để điều tiết tính thanh khoản của thị trường dựa trên cơ sở xem xét tình trạng thiết hụt, dư thừa thanh khoản trên thị trường.

Mặc dù PBoC không nêu rõ lần khởi động SLO này có giá trị bao nhiêu, nhưng theo nguồn tin của tờ “Nhật báo Tài chính Kinh tế Đệ nhất”, PBoC đã bơm ra thị trường 200 tỉ nhân dân tệ. Ở đây, có một vấn đề đáng chú ý là sau hành động bơm tiền của PBoC qua kênh SLO, lãi suất liên ngân hàng ở Trung Quốc vẫn không giảm xuống. Tính đến hôm 20/12, lãi suất liên ngân hàng Thượng Hải (Shibor) đã tăng 4 ngày liên tục, các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng và 3 tháng đều đã tăng cao tương đương với mức hồi tháng 6 khi Trung Quốc xuất hiện tình trạng khan tiền.

Trước đây, PBoC hay sử dụng công cụ Repo (hợp đồng mua lại) để làm dịu tính thanh khoản của thị trường. Gần đây, PBoC nhiều lần ngừng sử dụng Repo. Thực tế này, theo chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Crédit Suisse, ông Đào Đông, cho thấy chính sách tiền tệ của Trung Quốc nghiêng về thắt chặt trong ổn định.

Ngày 19/12, PBoC sử dụng SLO có kỳ hạn 7 ngày chứ không phải Repo cũng là không muốn thị trường coi đó như tín hiệu “nới lỏng”. Hành động của PBoC cũng phù hợp với nhận định của thị trường rằng trong ngắn hạn và trung hạn không có chuyện Trung Quốc “nới lỏng tiền tệ”. Đồng thời, do Trung Quốc tiếp tục thặng dư về ngoại tệ, cho nên, trong tương lai gần, công cụ Repo có thể sẽ tiếp tục “ở ẩn” trên thị trường mở.

Bên cạnh đó, do PBoc tiếp tục chính sách thắt chặt trong ổn định và đang trong tháng căng thẳng thanh khoản như thông lệ cuối năm, vì vậy, ông Đào Đông cho rằng lãi suất liên ngân hàng ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không tái diễn nguy cơ tín dụng bởi PBoC đã có kinh nghiệm tương tự từ (sự kiện khan tiền) hồi tháng 6.

Dự kiến, PBoC sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, khi nhận thấy căng thẳng thanh khoản trên thị trường cao hơn mức hợp lý sẽ ra tay bơm tiền làm dịu thanh khoản. Trong một phát biểu được trang tin điện tử của tờ “Nhật báo Kinh tế” (Hong Kong), chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc của UBS, ông Uông Đào, cũng cho rằng việc lãi suất liên ngân hàng ở Trung Quốc gia tăng lần này chủ yếu do ảnh hưởng của nhân tố mùa vụ, chứ không phải do dòng tiền rút đi hay PBoC thắt chặt tiền tệ.

Tuy nhiên, phải thấy rằng việc FED cắt giảm QE đã khiến môi trường tài chính tiền tệ toàn cầu phát sinh biến đổi lớn. Mỹ tạm thời vẫn duy trì chính sách lãi suất siêu thấp, nhưng đối với các nước khác, khi dòng tiền rút đi, khả năng tăng lãi suất sẽ xuất hiện. Tới khi Mỹ tăng lãi suất, áp lực càng đè nặng lên chính sách lãi suất của các nước, trong đó có Trung Quốc.

Theo nghiên cứu viên Trương Mạt Nam thuộc Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, trong tương lai, đồng tiền của Trung Quốc sẽ đắt đỏ hơn, mâu thuẫn giữa giá thành tiền vốn gia tăng và lợi nhuận hạ xuống sẽ ngày càng nổi cộm, Trung Quốc vốn đang cải cách sẽ không thể tránh khỏi phải trải qua “cơn đau chuyển đổi cơ cấu”.


Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hong Kong)



Nhân tố then chốt thúc đẩy kinh tế Trung Quốc xuất hiện
Nhân tố then chốt thúc đẩy kinh tế Trung Quốc xuất hiện

Thông qua việc thành lập Khu Thí điểm Mậu dịch Tự do ở Thượng Hải, thúc đẩy tự do hóa ngành dịch vụ sẽ trở thành nhân tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế Trung Quốc trong mấy năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN