Người dân ở hai xã Phước Dinh và Vĩnh Hải (Ninh Thuận) đều rất ủng hộ chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở địa phương, nhưng điều băn khoăn hiện tại đang xoay quanh chuyện "cơm áo, gạo tiền".
Niềm vui xen lẫn lo âu
Những ngày này, thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, nơi sẽ đặt nhà máy điện hạt nhân số 1, đang ngổn ngang với nhiều công trình xây dựng và đìa tôm... đào dở để chờ đền bù. Theo quy hoạch vừa công bố, nhà máy điện hạt nhân số 1,sẽ chiếm hơn 500 ha đất, toàn bộ hơn 150 hộ dân thôn Vĩnh Trường sẽ phải di dời. Không phải ngẫu nhiên mà trong buổi lễ công bố quy hoạch địa điểm xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân, lãnh đạo tỉnh và huyện đều lên tiếng nhắc nhở bà con không nên cố tình vi phạm pháp luật, xây dựng trái phép rất lãng phí vì sẽ không được đền bù theo quy định. Cùng ngày công bố quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận cũng đã thông báo thu hồi đất, thực hiện từ năm 2010 đến hết năm 2012.
Trưởng thôn Vĩnh Trường, ông Nguyễn Thành Du "khoe" khu tái định cư mà bà con lựa chọn. |
Tuy nhiên, thực tế là người dân đã sẵn sàng chờ đón việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của đất nước. Ông Nguyễn Thành Du, Trưởng thôn Vĩnh Trường cho biết: "Hồi đầu dân nghe nhà máy điện hạt nhân đặt ở đây cũng hoang mang lắm. Nhưng rồi sau nhiều hội thảo, tham quan thực tế thì dân đã thông. Bây giờ chỉ còn lấn cấn về việc hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng thế nào, tái định cư, chuyển đổi nghề ra sao, con em địa phương có được đào tạo để vào nhà máy làm việc...?".
Riêng việc chọn khu tái định cư cho dân thôn Vĩnh Trường cũng có thể coi là "kỳ công". Theo ông Du, lần đầu bà con chọn một địa điểm cách nơi cũ 1 km nhưng tỉnh bảo hẹp không đủ cho dân số sau này. Lần thứ hai, khu đất 22 ha bà con chọn tỉnh vẫn bảo hẹp. Lần thứ ba bà con đã nản, nhưng nhìn đồ án ở một khu rộng 85 ha, quy hoạch đầy đủ chức năng, có cả khu để chuyển đổi nghề, lại vẫn trong địa bàn xã, chỉ cách nơi cũ có 7 km nên bà con ưng lắm.
Cũng giống như người dân thôn Vĩnh Trường, ông Ngô Xuân Chiến, 71 tuổi, ở thôn Sơn Hải 1 liền kề băn khoăn: "Chúng tôi hiểu lợi ích kinh tế của nhà máy điện hạt nhân nên hoàn toàn ủng hộ. Dù thôn Sơn Hải không phải di dời nhưng sau này nằm sát nhà máy, không rõ sau này phát triển du lịch sẽ phải làm gì, xây dựng nhà máy có sử dụng nhiều nhân công địa phương không...?".
Chờ đón cơ hội
Ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, nơi sẽ xây dựng nhà máy số 2 sau nhà máy số 1 khoảng 1 năm thì không khí "điện hạt nhân" có vẻ trầm hơn. Bà con vẫn hối hả chuẩn bị đất trồng tỏi, nho dưới chân quả đồi dự kiến đặt trung tâm nhà máy. Ông Tư Mun, 57 tuổi, ở thôn Thái An, ngồi bình thản bóc tỏi ở hiên nhà ngay đối diện tấm bảng quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy, cho chúng tôi biết: "Nhà máy do Nhà nước xây là của chung, lợi ích chung, dân không có ý kiến gì đâu, chỉ lo có chỗ ở mới sao cho xứng đáng". Khi được hỏi ông có sợ nhà máy điện hạt nhân gây nguy hại không, ông Tư Mun cười đáp: "Cán bộ ở trong nhà máy chả sợ thì mình ở ngoài sợ gì. Cán bộ về họp dân giải thích rõ rồi, một số người còn được đi tham quan (ở Nhật Bản) về kể lại nữa".
Quả đồi nơi đặt trung tâm nhà máy điện hạt nhân số 1 ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (ảnh chụp ngày 21/10/2010). |
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết: Thôn Thái An là thôn lớn nhất của xã, khoảng 550 hộ. Qua nhiều cuộc tiếp xúc, hội thảo về điện hạt nhân thì ít nhất mỗi hộ cũng 1 lần tham dự và đều ủng hộ chủ trương. Bà con cũng chỉ mong muốn chính sách tái định cư, tạo việc làm cho con em tốt hơn. Hiện Sở Xây dựng đang lên 2 phương án tái định cư để bà con lựa chọn. Khó khăn lớn nhất là 85% dân sống bằng nghề nông, toàn thôn phải di dời mà đất tái định canh không có nhiều. Hiện bà con trồng 1 sào nho (sào Nam bộ = 1.000 m2) cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, lãi cũng được 50 triệu đồng. Còn trồng tỏi thu nhập khoảng 60 triệu đồng/sào/năm, trừ chi phí còn lãi 40 triệu đồng. Định hướng phát triển của Đảng bộ xã đề ra trong 5 năm tới là phát triển du lịch, dịch vụ. Xã thực hiện giải pháp tạo điều kiện cho bà con đi học nghề.
Nói về cơ hội phát triển KT-XH địa phương khi có nhà máy điện hạt nhân, ông Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Hạ tầng khu vực có nhà máy sẽ được nâng cao, cơ hội việc làm cho nhiều lao động khi công trình triển khai thi công, kéo theo nhiều dịch vụ phát triển, đồng thời thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, công nghiệp phụ trợ cũng phát triển. Tỉnh Ninh Thuận đã có sẵn 2 khu công nghiệp dành cho các nhà máy phụ trợ, sắp tới xúc tiến thành lập 1 trường đại học đào tạo nhân lực trình độ cao, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức các lớp đào tạo...
Người dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đang làm đất dưới chân quả đồi đặt nhà máy điện hạt nhân số 2 ảnh chụp ngày 21/10/2010). |
Tuy nhiên, để đón nhận cơ hội nhà máy điện hạt nhân đem lại, cần phải có những kế hoạch chuẩn bị cụ thể, chi tiết và dài hơi hơn để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương. Bởi dù nhà máy đầu tiên dự kiến khởi công vào năm 2014 nhưng sự chuẩn bị nhân lực và các điều kiện phụ trợ khác cũng không phải một sớm một chiều có thể đáp ứng ngay.
Bài và ảnh: Ngọc Tú