Đảm bảo thu nhập nông dân, chống sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề cấp bách

Đâu là giải pháp khắc phục vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa để người trồng lúa có cuộc sống tốt hơn? Nguyên nhân của tình trạng sạt lở bờ sông tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đang có khoảng trống trong liên kết chuỗi giá trị… là những vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Khắc phục vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa 

Đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho rằng, quản lý chặt chẽ đất trồng lúa là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Nghị định số 94 năm 2019 hướng dẫn thi hành Luật Trồng trọt có quy định về phương án bóc tách phần đất mặt là một thành phần hồ sơ khi chuyển mục đích sử dụng đất lúa. Tuy nhiên, hướng dẫn chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể cơ quan chủ trì dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm giữa hai ngành nông nghiệp và tài nguyên môi trường.

Cùng với đó, đánh đồng quy mô chuyển đổi mục đích từ vài mét vuông đến vài nghìn héc-ta, không có cơ sở pháp lý đầy đủ để tính toán các dự toán khi cần thiết… Đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng, điều này gây lúng túng cho địa phương, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như hướng giải quyết để sớm khắc phục những vướng mắc? 

Trả lời đại biểu Lê Đào An Xuân về vấn đề đất trồng lúa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc sử dụng đất trồng lúa linh hoạt đã được quy định trong văn bản của Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Theo đó, để linh hoạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải giữ lại lớp đất mặt, hoặc khai thác lớp đất mặt ở một tầng cho phép. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra những tiêu chí, quy định về cách thức khai thác, độ cao khai thác để khi cần có thể trở lại thành đất lúa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu rõ, các địa phương cần phải vào cuộc tích cực, chấp hành nghiêm ngặt các quy định, để linh hoạt trở lại đất lúa khi có thách thức về an ninh lương thực. Đồng thời, tạo điều kiện phân cấp, ủy quyền cho các địa phương để vừa quản lý chặt được đất trồng lúa, vừa tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển. 

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng người nông dân làm ra lúa gạo vẫn có cuộc sống khó khăn, nghĩa là cây lúa không mang lại nhiều lợi nhuận cho người sản xuất. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của nghịch lý này và các giải pháp trong thời gian tới? 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, theo niên giám thống kê, khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong nông nghiệp, người trồng lúa là người có thu nhập thấp nhất. Ở bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày, đây cũng là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với những người nông dân. 

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người nông dân là điều được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hết sức quan tâm, trong đó, việc cải thiện thu nhập không phải chỉ là vấn đề giá cả, mà cần tính toán đến các chi phí. 

Theo tính toán, thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20 - 25% chi phí đầu vào, do ứng dụng quy trình canh tác, “ba tăng, ba giảm”, tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân, tiết kiệm giống, tiết kiệm thuốc. Chính những chi phí giảm xuống này là thành quả giúp gia tăng thu nhập cho người dân. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay chúng ta đang lo ngại giá cao hơn nữa có thể làm rối loạn ngành, gây thiếu bền vững. Đó cũng là một vấn đề. Nếu người nông dân nuôi trồng sản phẩm gì chỉ hưởng thu nhập từ sản phẩm đó, thì chưa đúng tinh thần Nghị quyết 19 là chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp, đa giá trị, tạo ra nhiều ngành nghề khác, không gian trồng lúa, thời gian trồng lúa có thể lồng ghép, tạo ra nhiều không gian, thời gian cho các ngành nghề khác. 

“Nếu chúng ta tận dụng tốt quỹ không gian, thời gian đó, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo những nghề nghiệp ở nông thôn, thì người nông dân không chỉ hưởng từ thành quả cây lúa, mà có nhiều nguồn thu nhập khác”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Đâu là nguyên nhân của tình trạng sạt lở bờ sông tại vùng ĐBSCL?

Chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Trong thời gian qua tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long đang diễn ra tình trạng sạt lở bờ sông. Theo đại biểu, nguyên nhân không phải do hút cát sông hoặc do dòng chảy, gây tâm lý hoang mang cho người dân. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới? 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua, vấn đề sạt lở, sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long là thách thức lớn trong biến đổi khí hậu, vấn đề đã nhận được nhiều sự quan tâm, Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị về vấn đề này tại Cần Thơ. 

Sụt lún là hệ lụy của địa chất đồng bằng sông Cửu Long khi bị tác động bởi dòng chảy, có hiện tượng mềm đất, khi có chất tải lên khu vực đồng bằng thì dễ gây hiện tượng lún, sụt.

Hiện tượng này có liên quan tới các đập ở thượng nguồn, gây cản trở nước, phù sa. Vấn đề này còn liên quan tới hiện trạng các dòng sông bị ô nhiễm do người dân đồng bằng sông Cửu Long sống chen chúc bên bờ sông, dẫn đến phải khoan nước phục vụ sinh hoạt cũng như nuôi trồng thủy sản, chính việc khoan nước cũng là nguyên nhân gây lún sụt.

Bàn về giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ để nghiên cứu một cách tổng thể về hiện tượng sụt lún ở bờ sông đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đang có khoảng trống trong liên kết chuỗi giá trị

Đối với việc liên kết chuỗi, đưa thành tựu khoa học công nghệ đi từ hệ thống viện, trường, các cơ sở khoa học công nghệ tới thực tiễn sản xuất của người nông dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đây là vấn đề Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có trao đổi nhiều lần cùng Bộ Khoa học Công nghệ, hiện nay đang có khoảng trống lớn giữa các sản phẩm, đề tài nghiên cứu khoa học với người nông dân. 

Các sản phẩm nghiên cứu khoa học trong thời gian qua, phần nhiều chỉ dừng lại ở mô hình, cần phải hoàn thiện về tính thị trường hóa, thương mại hóa, đảm bảo phù hợp để áp dụng cho các doanh nghiệp, cho bà con nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo, tất cả những đề tài nghiên cứu khoa học mang tính chất ứng dụng, những tiến bộ kỹ thuật, kể cả của những người nghiên cứu độc lập, hay những người nông dân, nếu đã ứng dụng tốt thì sẽ đánh giá và đưa lên cổng thông tin để quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, ứng dụng cho các hợp tác xã, bà con nông dân

Cần liên kết lại trong hợp tác xã, để có giá ưu đãi do mua nhiều, giúp tăng lợi nhuận. Cần nhìn nhiều chiều hơn về cấu trúc ngành hàng lúa gạo, để có hướng khuyến khích bà con vào hợp tác xã, mua chung, bán chung, hưởng dịch vụ chung, để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, không phải chỉ từ nông sản nuôi trồng, tránh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

Viết Tôn/Báo Tin tức
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 ‘biến’ lớn
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 ‘biến’ lớn

Phát biểu tại phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, trong đó có việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN