Thu ngân sách Nhà nước đạt 94% trong 9 tháng
Tại cuộc họp báo chiều 29/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, giá năng lượng tăng cao gây lạm phát trên toàn thế giới. Ngành Tài chính đã nỗ lực điều hành thu chi ngân sách, ổn định mặt bằng giá nhằm kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4%.
Theo đó, tổng thu NSNN 9 tháng năm nay ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó: Thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8% (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số thu thuế, phí nội địa đạt 87,3% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ), riêng các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế (trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh) ước đạt 83% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, ông Dương Tiến Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) chỉ ra: Vẫn còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 62,1%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của NHNN (đạt 59%).
Chuyên gia kinh tế, PGS TS Trần Hoàng Ngân cho rằng: Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có những cải cách quan trọng, từ đó giúp tăng thu ngân sách trong điều kiện thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế phí lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Nhờ mức thu ngân sách tốt mà từ đó có dư địa để tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ nhân dân, có nguồn lực cho đầu tư phát triển, phục hồi kinh tế.
Đối với lĩnh vực chi NSNN, trong 9 tháng năm nay, tổng chi NSNN đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 48,1% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 70% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 68,3% dự toán. Đại diện Vụ ngân sách Nhà nước cho rằng: Các nhiệm vụ chi NSNN 9 tháng năm nay được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.
Riêng về chi đầu tư phát triển, giải ngân 9 tháng năm nay tuy giá trị có tăng so với cùng kỳ năm trước (+13%) nhưng tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu; tỷ lệ giải ngân mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%), trong đó giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 19,07% kế hoạch.
Trên cơ sở tình hình thực hiện thu NSNN 9 tháng năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo kinh tế năm 2022 tăng trưởng 7 - 7,5%; xuất khẩu tăng 9,46%; nhập khẩu tăng 10,5% so với năm 2021; nguồn thu NSNN năm nay ước thực hiện vượt dự toán, trong đó các lĩnh vực tăng khá như thu từ dầu thô, thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh và thu từ tiền sử dụng đất...
Dư địa kiểm soát lạm phát còn lớn
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,73% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái. Một số chuyên gia tài chính nhận định: Dư địa kiểm soát còn tương đối lớn. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay hoàn toàn có thể đạt được nếu không có yếu tố tác động lớn.
“Chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đặt ra, chỉ số lạm phát năm nay không quá 4%. Như vậy, dư địa còn tương đối lớn”, ông Đặng Công Khôi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, kinh tế vẫn còn một số yếu tố gây áp lực tăng giá như: Giá nhiên liệu và năng lượng do diễn biến căng thẳng giữa Nga - Ukraine rất khó lường.
“Thời gian qua, giá xăng dầu có xu hướng giảm, nhưng còn 3 tháng nữa từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến phức tạp, có thể có tăng giá nhất định”, ông Đặng Công Khôi nhận định. Trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, có thể khiến giá hàng hóa tăng; ảnh hưởng của thời tiết từ nay đến cuối năm sẽ phức tạp, sẽ còn một số cơn bão nữa gây ngập lụt, có thể làm tăng cục bộ một số mặt hàng thiết yếu địa phương và giá lương thực thực phẩm tăng. Bên cạnh đó, có một số yếu tố có thể tác động làm giảm giá hàng hóa như: Các mặt hàng do Nhà nước định giá như điện, dịch vụ công… theo chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo sẽ giữ ổn định. Cùng với đó là sự kiên định trong giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách miễn, giảm thuế phí cũng có tác động giảm áp lực tăng giá.
Đề cập về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã đề ra trong bối cảnh đối mặt áp lực rất lớn, 9 tháng qua, nhiệm vụ và các giải pháp kiểm soát luôn nằm trong các chương trình nghị sự của Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành. Điều này cho thấy Chính phủ đã tập trung rất nhiều nguồn lực, trí lực để thực hiện mục tiêu này, không chỉ các giải pháp về tài khóa mà còn kết hợp các giải pháp về tiền tệ, công thương, sản xuất – kinh doanh…
Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã thực hiện các chính sách giảm thuế ngay từ đầu năm cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng; đề xuất giảm thuế mặt hàng xăng dầu, từ đó giữ được giá xăng dầu - một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành sản xuất. Bộ Tài chính cũng chuẩn bị nhiều phương án khác về thuế đối với mặt hàng xăng dầu, tùy thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thế giới để sẵn sàng ứng phó. Cùng với đó là các biện pháp điều hành giá đối với các mặt hàng thiết yếu như giá nông sản, lương thực thực phẩm, y tế, giáo dục… để có được kết quả như hiện nay.
Theo Tổng cục trưởng TCTK, bà Nguyễn Thị Hương, trong những tháng cuối năm 2022, kinh tế trong nước có khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng tăng dần khi giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới và giá sản xuất trong nước đang ngày càng tăng cao. Để kiểm soát lạm phát, lãnh đạo TCTK kiến nghị: Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.