Cụ thể, số lượng hàng hóa tịch thu, tiêu hủy của 42 vụ vi phạm là 367 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; 298 kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; 07 điện thoại di động iphone 11 promax; 3.157 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm nhập lậu; 1.400 sản phẩm quần, áo không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong đó, có những vụ việc điển hình như vào tháng 6/2022, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tiến hành kiểm tra cơ sở hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội Facebook (phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột). Kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở này hoạt động dưới hình thức là hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh và có dấu hiệu trốn thuế.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở trên kinh doanh hàng ngàn sản phẩm quần, áo các loại là hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập hồ sơ vụ việc theo quy định, phối hợp với cơ quan Thuế xử phạt vi phạm hành chính với tổng mức xử phạt là 227.150.000 đồng.
Vào tháng 7/2022, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột). Kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở này hoạt động dưới hình thức là hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh và có dấu hiệu trốn thuế.
Đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở đang kinh doanh hàng ngàn sản phẩm quần, áo các loại là hàng hoá vi phạm về nhãn hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập hồ sơ vụ việc theo quy định, phối hợp với cơ quan Thuế xử phạt vi phạm hành chính với tổng mức xử phạt là 149,25 triệu đồng.
Theo cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử đang trở thành xu thế của người tiêu dùng, điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ mua phải hàng hóa không đảm bảo.
Nhằm bảo vệ người tiêu dùng và kiến quyết đấu tranh, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có vi phạm liên quan đến thương mại điện tử, trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử lý việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử; đặc biệt là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường cũng tăng cường tuyên truyền trên các nền tảng điện tử như đăng tải tin, bài viết lên trang Facebook và website của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk về kết quả xử lý các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thương mại. Đồng thời thông qua các kênh thông tin trên để tiếp nhận thông tin tố giác hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.