Theo Bloomberg (Mỹ), những gói kích thích được áp dụng tại nhiều nước, lãi suất thực tế âm và đồng USD yếu đã đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục 2.075 USD/ounce vào đầu tháng 8. Một số ngân hàng như Goldman Sachs và Ngân hàng Mỹ dự đoán vàng thậm chí còn tăng giá nữa nhưng sự “hồi sức” của đồng bạc xanh đã khiến vàng phải hoãn đà đi lên này.
Giá vàng thế giới đã giảm hơn 2% trong phiên 23/9 xuống mức thấp nhất trong khoảng hai tháng qua. Vào lúc 1 giờ 57 phút sáng 24/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 1,9% xuống mức 1.862,56 USD/ounce.
Vậy trong thời gian tới xu thế giá vàng sẽ theo chiều hướng nào?
Đồng USD chính là nhân tố then chốt tác động đến giá vàng. Trong tuần này, đồng USD đã mạnh hơn do không có nhiều kỳ vọng về gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ. Diễn biến này khiến vàng giảm giá, ngay cả khi số ca mắc COVID-19 vẫn tăng khắp châu Âu và số người tử vong vì dịch bệnh này đã vượt qua 200.000 trường hợp ở Mỹ.
Nhưng nhà phân tích Carsten Fritsch tại Commerzbank AG (Đức) nhận định rằng do chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (FED) mà sức mạnh đồng USD “khó có thể duy trì lâu”.
Trong tuần này, vàng giảm giá sau khi rơi xuống dưới mức đường trung bình di động của 50 ngày khiến các nhà giao dịch coi đây là dấu hiệu để bán ra. Đường trung bình di động là công cụ phân tích đưa ra dữ liệu về giá, dựa trên cập nhật mức giá trung bình trong một khoảng thời gian nhất định.
Đường trung bình di động 100 ngày sẽ là điểm then chốt phản ánh khả năng kháng cự của vàng trước mức giá giảm. Nếu tiếp tục rơi xuống mức thấp hơn đường trung bình di động của 100 ngày thì các nhà giao dịch thậm chí sẽ bán thêm vàng.
Trong 20 năm qua, giá vàng thường có thay đổi trước và sau bầu cử Tổng thống Mỹ. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc các nhà đầu tư cân nhắc dự đoán về ảnh hưởng tiềm năng đối với đồng USD, lợi tức kho bạc và rủi ro chính trị toàn cầu. Theo các chuyên gia, cuộc bầu cử vào tháng 11 tới tại Mỹ dự kiến xảy ra nhiều tranh cãi, gây bất ổn, khiến vàng tăng giá.