Giảm hơn 90% lượng khách
Lý giải nguyên nhân vận tải hành khách qua cảng biển giảm sâu, theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam chủ yếu là do các ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trong 3 tháng qua. Đáng chú ý, chỉ riêng trong 2 tháng 8-9/2021, nhiều cảng biển tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã khiến số lượt hành khách qua cảng giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Hàng hải Việt Nam thống kê, hầu hết các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo đông khách ở khu vực Kiên Giang, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... đều đang tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương để phòng dịch.
Đơn cử, thời điểm bình thường, sản lượng khách trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn (Quảng Ngãi) có thể đạt từ 1.000 - 2.000 lượt khách/ngày, cao điểm hè có thể đạt tới 5.000 lượt khách/ngày. Tuy vậy, từ khi dịch bệnh diễn ra, lượng khách du lịch sụt giảm, trong thời gian được phép hoạt động, khách đi trên tuyến chỉ còn rải rác từ 15 - 20 lượt/ngày, các doanh nghiệp vận hành khách đều phải chủ động tạm dừng tuyến, nhưng vẫn phải trả lương người lao động. Việc đi lại của người dân địa phương hiện chủ yếu bằng thuyền gỗ.
Hay tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh), cảng tàu khách chuyên dụng đầu tiên tại Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên hoạt động đón tàu khách quốc tế đã tạm dừng trong hơn 1 năm qua. Các bến thủy nội địa của cảng có khoảng 200 du thuyền chất lượng cao đã nằm "phơi sương, phơi nắng" tại các vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Lan Hạ trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội và đang "ngóng" thời điểm hoạt động trở lại sau nới lỏng giãn cách...
Sau nới lỏng, vận tải khách từ bờ ra đảo được hoạt động tại những vùng nào?
Theo hướng dẫn tổ chức hoạt động vận tải hành khách qua cảng biển của Bộ GTVT thực hiện từ ngày 1/10, để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, việc đưa khách từ bờ ra đảo sẽ được thực hiện dựa trên sự đánh giá nguy cơ và quy mô cấp độ dịch (cấp xã hoặc có thể ở quy mô tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm).
Cụ thể có 4 cấp độ đánh giá nguy cơ. Cấp 1 là nhóm nguy cơ thấp (bình thường mới), cấp 2 là nhóm nguy cơ trung bình, cấp 3 là nhóm nguy cơ cao và cấp 4 là nhóm nguy cơ rất cao. Các tuyến vận tải từ bờ ra đảo hiện nay tại các địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp, trung bình, cao có thể hoạt động trở lại với các quy định phòng dịch. Tại các địa phương/vùng có nguy cơ rất cao, Bộ GTVT yêu cầu dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng bằng phương tiện vận tải hàng hải.
Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh cảng, bến hàng hải xây dựng phương án, kế hoạch đón, trả hành khách ra vào cảng, bến bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và các quy định về phòng chống dịch như: Bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; tổ chức điểm xét nghiệm COVID-19; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời; bố trí khu vực bán vé, phòng chờ và nơi hành khách lên, xuống phương tiện bảo đảm giãn cách; đồng thời, chủ phương tiện phải xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và phương án xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19, khử khuẩn khoang hành khách, ghế ngồi, khu vực vệ sinh hàng ngày và ngay sau khi kết thúc chuyến đi...
Tại địa phương/vùng có nguy cơ cao, các phương tiện giao thông công cộng hàng hải được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến/lượt hoặc số chỗ trên phương tiện). Tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp và trung bình, các phương tiện giao thông được hoạt động bình thường. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch bệnh tại địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của Sở GTVT hai đầu tuyến, Cục Hàng hải Việt Nam quyết định áp dụng thống nhất số chuyến hoạt động hoặc số chỗ trên phương tiện đảm bảo theo nguyên tắc đánh giá nguy cơ và cấp độ dịch.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ GTVT, bên cạnh yêu cầu chung tuân thủ “Thông điệp 5k”, khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế với tất cả các đối tượng liên quan đến hoạt động vận tải hàng hải, hành khách thông qua cảng biển phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng phương pháp test kháng nguyên nhanh hoặc PCR; không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Ngoài ra, tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao, người lao động tại cảng, bến phải xét nghiệm COVID-19 hàng tuần (7 ngày/lần), không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.