Cựu Thủ hiến tỉnh Quebec: Việt Nam là điểm đến đầu tư cho các doanh nghiệp Canada muốn tiếp cận châu Á

Khi năm 2020 đầy thách thức và bất ổn sắp khép lại, cũng là lúc đánh dấu thời điểm hai năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chú thích ảnh
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Hiệp Long - Bình Dương. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Canada mới đây đã có cuộc trao đổi với cựu Thủ hiến tỉnh Quebec, ông Jean Charest về mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada, trong bối cảnh hai nước đang chứng kiến xu hướng đi lên trong trao đổi thương mại hai chiều, bất chấp việc đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi khía cạnh của nền kinh tế.

Ông Charest cho rằng Canada và Việt Nam chưa tận dụng được hết lợi thế hay cơ hội từ CPTPP. Theo ông, mối quan hệ giữa Việt Nam và Canada đang ở mức thấp hơn so với tiềm năng. Mặc dù thương mại song phương đã gia tăng, hai nước cũng nhìn ra cơ hội trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, hoạt động chế tạo, nhưng vẫn có những lĩnh vực mới cần đầu tư. Ông cho biết các quỹ hưu trí của Canada là những nhà đầu tư chủ lực trên thế giới, trong khi nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam và trên toàn khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là rất lớn. Do đó, đây là lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác. Một số lĩnh vực khác cũng có triển vọng hợp tác bao gồm chăm sóc y tế, giáo dục và y khoa...

Tại các siêu thị ở Canada, không quá khó để có thể tìm thấy các sản phẩm "Made in Vietnam". Với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa lên tới khoảng 500 tỷ USD mỗi năm, Canada được đánh giá là một thị trường đầy hấp dẫn. Nhưng sức hấp dẫn này cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh khốc liệt đối với các doanh nghiệp. Mặc dù Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Canada hiện mới chỉ chiếm khoảng 0,7% trong tổng kim ngạch thương mại của quốc gia Bắc Mỹ này. Ông Charest nhận định vẫn còn dư địa còn rất lớn để Việt Nam và Canada mở rộng hợp tác thương mại, nhất là khi giao dịch hàng hóa giữa hai nước mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh với nhau.

Ông Charest nhấn mạnh trong năm 2020, cả hai nước đều ghi nhận một số thay đổi lớn. Đó là Canada thực thi Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), điều này đồng nghĩa rằng các công ty Việt Nam đầu tư vào Canada sẽ được tiếp cận với cả Mỹ và Mexico. Tháng 11 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). RCEP quy tụ 15 quốc gia, chiếm 30% Tổng sản phẩm (GDP) của thế giới, với quy mô GDP của khối đạt 26.000 tỷ USD. Theo ông Charest, đối với các doanh nghiệp Canada, điều này thực sự mang lại một góc nhìn mới trong việc đầu tư vào Việt Nam.

Canada ngày càng coi trọng mối quan hệ không ngừng lớn mạnh với Việt Nam bởi Việt Nam sẽ là cầu nối để đưa hàng hóa và dịch vụ của Canada tiếp cận với thị trường 660 triệu người tiêu dùng của ASEAN. Ông Jean Charest khẳng định: “Việt Nam là một đất nước đặc biệt mà Canada có mối quan hệ rất thân thiết. Hiện Việt Nam hơn bao giờ hết nên được coi là điểm đến đầu tư cho các công ty Canada muốn tiếp cận với khu vực châu Á rộng lớn hơn”.

Hương Giang (TTXVN)
Việt Nam-Canada nỗ lực khai thác hiệu quả CPTPP thời hậu COVID-19
Việt Nam-Canada nỗ lực khai thác hiệu quả CPTPP thời hậu COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, ngày 3/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đã phối hợp với Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam tổ chức hội thảo “Giao thương Việt Nam-Canada trong CPTPP: Đường hướng và khuyến nghị cho thời hậu COVID-19”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN