Cuộc khủng hoảng khủng khiếp nhất của kinh tế Mỹ

Trong số 10 cuộc suy thoái lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ kể từ sau Đại chiến Thế giới thứ II - trong đó nền kinh tế phải mất ít nhất 3 năm để hồi phục - thì chưa có cuộc suy thoái nào khủng khiếp như lần này.


Cuộc suy thoái mới nhất của kinh tế Mỹ được coi là bắt đầu từ tháng 12/2007 và chấm dứt vào tháng 6/2009, khi GDP của nước này bắt đầu tăng trưởng trở lại. Thế nhưng hơn 3 năm đã trôi qua và trước mặt “chú Sam”, chặng đường hồi phục vẫn còn hết sức gian nan.


Chủ tịch FED Ben Bernanke. Ảnh: Internet


So với 9 cuộc suy thoái trước, những tín hiệu lần này đều rất xấu: Tốc độ tăng GDP yếu nhất (1,5% trong quý II/2012), chi tiêu tiêu dùng thấp chưa từng thấy và tốc độ tạo việc làm gần chưa bao giờ chậm như hiện nay.


Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện vẫn ở mức 8,3%, cao nhất trong số 10 cuộc suy thoái. Với những lao động còn trụ lại được, đây cũng là lần đầu tiên mức tăng của lương không theo kịp lạm phát.


Ngoài ra, kinh tế Mỹ còn đang phải chống đỡ một kẻ thù từ bên ngoài: Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Những rắc rối ở bên kia bờ Đại Tây Dương đã lấy mất chút lòng tin còn lại của nhà đầu tư và người tiêu dùng nước Mỹ.

Tăng trưởng yếu


Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ chỉ tăng 6,8% trong 3 năm tính đến giữa năm 2012 - mức thấp nhất trong các lần hồi phục kể từ sau chiến tranh. Trong số 8 lần suy thoái trước (1 lần từ 1945 - 1948, dữ liệu không đầy đủ), tốc độ tăng GDP trong 3 năm đầu đều đạt trung bình 15,5%.


Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang là 8,3%, cao nhất trong 10 cuộc suy thoái lớn. Ảnh: Internet


Những động lực chính cho quá trình hồi phục trong các cuộc suy thoái trước đây giờ đã không còn. Đầu tư xây dựng nhà cửa - trước đây thường tăng gần 34% - thì lần này chỉ tăng có 8%.


Lý do là giai đoạn phát triển bong bóng hồi giữa thập kỷ trước đã khiến thị trường tràn ngập nguồn cung và giá giảm là điều tất yếu. Bất chấp lãi suất vay thế chấp giảm xuống mức thấp kỷ lục, thị trường bất động sản Mỹ vẫn không thể trở lại bình thường.


Mua sắm và đầu tư của chính phủ ở cấp liên bang, bang và địa phương trong quý II đã giảm 4,5% so với 3 năm trước. Trong khi đó, trong các lần suy thoái trước, 3 năm hồi phục đầu tiên chi tiêu chính phủ tăng trung bình 12,5%. Trong cuộc suy thoái 1981 - 1982 dưới thời của Tổng thống Ronald Reagan, kinh tế Mỹ nhận được một cú hích đầu tư công tăng tới 15%.


Lần này, chính quyền các cấp liên tục cắt giảm chi tiêu và giảm việc làm trong bộ máy hành chính. Kể từ tháng 6/2009, lực lượng viên chức ở Mỹ đã giảm 642.000 người, lần giảm đầu tiên trong 10 cuộc suy thoái lớn kể từ sau chiến tranh. Trong khi đó, sau cuộc suy thoái 1973 - 1974, số việc làm trong bộ máy nhà nước tăng hơn 1 triệu.


Tiêu dùng kiệt quệ


Kể từ khi suy thoái chấm dứt, chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ chỉ tăng 6,5%, mức thấp nhất trong 10 cuộc suy thoái. Trong những lần trước, giá trị tiêu dùng tăng trung bình gần 14%.


Không khó hiểu tại sao tiêu dùng lại ảm đạm. Người dân không còn vay tín dụng ngân hàng được như trước, trong khi đây là động lực chính tạo ra tốc độ tăng trưởng mạnh trong thập niên 2000. Vốn chủ sở hữu nhà ở - một điều kiện quan trọng để có thể vay tiền - đã giảm mạnh tới 49% do giá nhà lao dốc. Các ngân hàng đua nhau hủy bỏ thẻ tín dụng của khách.


Tín dụng cạn kiệt cản trở tốc độ hồi phục của nền kinh tế Mỹ.
Ảnh: Internet


Những người có tiền cũng chi tiêu ít hơn bởi họ còn phải dành để trả nợ và... tiết kiệm. Theo hãng Haver Analytics, tổng nợ vay tín dụng ở Mỹ hiện chỉ còn 865 tỷ USD, giảm 14% so với mức đỉnh 1.000 tỷ USD tháng 12/2007. Tỷ lệ tiết kiệm cũng tăng từ 1,1% thu nhập sau thuế năm 2005, lên 4,4% vào tháng 6/2012. Tỷ lệ nợ thấp phản ánh tâm lý e ngại vay tiêu dùng của người dân.


Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng của công ty High Frequency Economics nói: “Có thời chúng ta đã vay quá nhiều, giờ đang phải trả nợ. Quá trình này làm chậm tăng trưởng của kinh tế Mỹ”.


Việc làm ảm đạm


Nền kinh tế Mỹ đã bị mất 8,8 triệu việc làm trong và ngay sau cuộc suy thoái 2007 - 2009. Kể từ khi quá trình hồi phục bắt đầu, số việc làm được tạo thêm chỉ khoảng 4 triệu. Như vậy các doanh nghiệp chỉ lấy lại được 46% số việc làm bị mất đi, mức thấp nhất từ trước đến nay.


Thị trường nhà đất đổ vỡ khác hẳn một sự sụp đổ trên thị trường chứng khoán. Nó ảnh hưởng tới rất nhiều người và nó điều chỉnh rất chậm”.

Peter Diamon, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts.

Trong 8 cuộc suy thoái trước, nền kinh tế đã lấy lại được hơn 350% số việc làm bị mất. Cá biệt, trong cuộc khủng hoảng 1981 - 1982 kinh tế Mỹ bị mất 2,8 triệu việc làm. Nhưng 3 năm sau khi suy thoái chấm dứt, lại có thêm tới 9,8 triệu việc làm mới được tạo ra - dôi ra hơn 7 triệu.


Chưa bao giờ lại có nhiều người Mỹ thất nghiệp đến vậy. Gần 5,2 triệu người không có việc làm từ 6 tháng trở lên. Thất nghiệp dài hạn chiếm tới 41% tổng số người thất nghiệp, trong khi các cuộc suy thoái khác tỷ lệ này cao nhất cũng chỉ là 22%.


Gregory Mann, 58 tuổi, một nhân viên giám định bất động sản bị thất nghiệp cách đây 3 năm. Ông nộp đơn vào các công ty McDonald, Target và Nordstrom nhưng thậm chí họ còn không... trả lời. “Nói chung, giờ thì công việc gì tôi cũng làm”, ông nói.


Một người thất nghiệp càng lâu càng khó tìm việc trở lại, bởi kỹ năng suy giảm và cơ hội tiếp xúc để tìm việc mới ngày càng thấp. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) Ben Bernanke gọi thất nghiệp dài hạn là một cuộc “khủng hoảng quốc gia”.


Lương không theo kịp lạm phát


Thông thường, thu nhập của người lao động sẽ tăng lên sau khi nền kinh tế thoát khỏi suy thoái và bước vào quá trình hồi phục. Nhưng lần này thì không. Các chủ lao động luôn từ chối tăng lương bởi hầu hết nhân viên của họ... chẳng còn chỗ nào mà đi nữa.


Kết quả là, lương lao động tăng không đủ để bù lạm phát. Thu nhập của người lao động trong lĩnh vực sản xuất - chiếm khoảng 80% lực lượng lao động tư nhân, phi nông nghiệp ở Mỹ - chỉ tăng 6,2% kể từ tháng 6/2009. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 7,2%. Nếu trừ lạm phát, thu nhập của người lao động bị âm 0,8%. Trong 5 cuộc suy thoái gần đây nhất, trung bình mức tăng lương đều vượt lạm phát 1,5%.


Các nhà kinh tế nói rằng nhìn vào bản chất của cuộc suy thoái lần này có thể đoán trước quá trình hồi phục của kinh tế Mỹ sẽ gian nan như thế nào. Sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ tháng 9/2008, hệ thống tín dụng - mạch máu của nền kinh tế - trở nên cạn kiệt bất chấp mọi nỗ lực bơm, thúc của chính phủ và ngân hàng trung ương. Thị trường bất động sản giảm giá 30% đã lấy mất hàng nghìn tỷ USD cổ phiếu bất động sản và khiến hoạt động xây dựng gần như đóng băng.


Hơn nữa, chia rẽ chính trị trong nước càng khiến cho sự lạc quan tăng trưởng trở thành điều xa xỉ. Năm ngoái, bất đồng giữa Tổng thống Barack Obama và quốc hội Mỹ đã đẩy nền kinh tế đến bờ vực vỡ nợ, khiến các thị trường chao đảo.


Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cảnh báo, các chính sách cắt giảm thâm hụt ngân sách dự kiến có hiệu lực vào đầu năm tới có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trở lại, đồng thời đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức 9,1% vào nửa cuối năm 2013. Thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2012 cũng sẽ ở mức 1.100 tỷ USD.


Vũ Hội

Nguy cơ các nền kinh tế lớn chao đảo
Nguy cơ các nền kinh tế lớn chao đảo

Theo khảo sát mới đây của giới doanh nghiệp toàn cầu, bức tranh chung của nền kinh tế thế giới hiện vẫn rất ảm đạm, làm tăng thêm mối quan ngại về tình trạng kinh tế toàn cầu đang tăng chậm lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN