Thị phần tôm Việt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động, ngành tôm cũng đang đối mặt với không ít thách thức và áp lực cạnh tranh.
Nhiều thị trường tiềm năng
Đánh giá về cơ hội xuất khẩu thủy sản năm 2022, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu vẫn đang tăng khoảng 5% mỗi năm.
Nếu ngành thủy sản Việt Nam tận dụng tốt việc tăng nhu cầu trên thế giới để tăng thêm thị phần, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, thì hoàn toàn có thể duy trì được sự tăng trưởng. Đặc biệt, tôm vẫn là sản phẩm chủ lực thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cả nước.
Các báo cáo chuyên ngành của Vasep cũng nhận định trong vài năm tới, ngành tôm còn nhiều động lực để tăng trưởng, giai đoạn 2022-2025 có thể tăng trưởng khoảng 9%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt 5,6 tỷ USD.
Phân tích ở góc độ thị trường, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, dù là sản phẩm chế biến hay tươi, sản phẩm tôm Việt đều được ưa chuộng do mẫu mã đẹp, chất lượng ổn định và đồng đều hơn so với nhiều đối thủ trực tiếp. Hơn nữa, trải qua các làn sóng dịch COVID-19, doanh nghiệp tôm đã linh hoạt thâm nhập từng thị trường theo lợi thế của mình.
Hiện nay, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của tôm Việt, chiếm 28% thị phần. Thị trường lớn thứ hai là châu Âu (bao gồm cả Anh) chiếm 21,8%, thứ ba là Nhật Bản 14,9%. Ở thị trường Trung Quốc, tuy có sụt giảm vẫn duy trì thứ tư với 10,6%, kế tiếp là Hàn Quốc 9,6%.
Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn vừa tạo nên một kỷ lục mới về sản lượng lẫn kim ngạch nhập khẩu tôm, với 7 tỷ USD và sản lượng trên 750.000 tấn. Tuy nhiên, tôm Việt Nam mới chỉ chiếm chưa tới 10% trong tổng nhập khẩu tôm hàng năm và Việt Nam chỉ xếp thứ 5 trong số các quốc gia xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ.
Châu Âu (bao gồm Anh) vẫn là thị trường đầy tiềm năng với các sản phẩm ở phân khúc thị phần cao cấp. Đi liền đó, họ đòi hỏi sự kiểm soát kỹ lưỡng chuỗi sản phẩm của nhà nhập khẩu theo tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội Đồng Quản Lý Nuôi Trồng Thủy Sản).
Thị trường Nhật Bản dù biến động thất thường theo diễn biến COVID-19 ở đây. Tuy nhiên, mức tiêu thụ vẫn khá ổn định chỉ chuyển tiêu thụ từ mảng dịch dụ qua mảng bán lẻ. Lợi thế thị trường này là gần, giao hàng nhanh giảm rủi ro, thanh toán sòng phẳng. Tôm Việt vẫn được ưa chuộng do mẫu mã sản phẩm tôm ta đẹp, chất lượng ổn định và đồng đều.
Vướng mắc lớn nhất là tất cả lô tôm Việt vào đây đều phải kiểm tra chặt chẽ mới thông quan, ảnh hưởng ít nhiều đến kế hoạch tiêu thụ của phía nhà nhập khẩu. Trong khi đó, các thị trường khác như Hàn Quốc, Canada, Australia dù chưa chiếm tỷ trọng lớn nhưng duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá tốt. Đáng chú ý, tôm Việt đang chiếm vị trí hàng đầu ở Hàn Quốc và Australia.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng, trong 2 năm dịch COVID-19 bùng trên diện rộng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gãy đổ, một số đối thủ cạnh tranh với thủy sản của Việt Nam bị “mắc kẹt” và chưa kịp khôi phục, ngành thủy sản Việt Nam đặc biệt là tôm đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ, gia tăng thị phần ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu...
Năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng tốt, đạt 8,9 tỷ USD, vượt qua cả kỳ vọng của doanh nghiệp. Với kết quả này, Việt Nam vẫn chắc chân trong top các nhà xuất khẩu thủy sản lớn của thế giới.
Về năng lực sản xuất, các chuyên gia đánh giá, quy trình nuôi tôm của Việt Nam liên tục được cải tiến, cập nhật nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất. Người nuôi nâng cao kiến thức, kinh nghiệm qua từng vụ nuôi. Chuỗi cung ứng cũng dần hoàn thiện và mở rộng liên tục. Con giống thế hệ mới, nhà máy cung ứng thức ăn xây dựng mới… là các tín hiệu khá khởi sắc để các doanh nghiệp chế biến mạnh dạn mở rộng quy mô chế biến phục vụ xuất khẩu.
Áp lực chi phí tăng cao
Dù cơ hội thị trường rộng mở song các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến tôm cho rằng, vẫn tồn tại không ít thách thức như giá thành nuôi, chi phí chế biến, xuất khẩu đều tăng cao khiến lợi thế cạnh tranh của tôm Việt bị giảm sút đáng kể.
Ông Trần Văn Lĩnh nêu thực tế, doanh thu xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tốt nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế thực tế cho doanh nghiệp vì cước vận tải và nhiều chi phí khác đã ăn mòn lợi nhuận. Chưa bao giờ trong lịch sử, giá cước vận và phụ phí lại tăng đột biến gấp đến 10 lần, trong khi đó mức tăng thông thường chỉ từ 5-10%/năm. Vấn đề kéo dài 2 năm nhưng chưa có bất kỳ dấu hiệu “hạ nhiệt” nào, thậm chí ngày càng căng thẳng hơn khi ngay cả với các tuyến vận chuyển ngắn như đi Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tăng giá hơn gấp đôi.
“Cước đi châu Âu, Hoa Kỳ đang dao động 20.000 USD/container thay vì 2.000 USD như trước đây. Nếu như những năm trước mỗi năm công ty chi khoảng 20 tỷ đồng cho chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu thì cũng với khối lượng hàng đó năm qua phải trả tới 120 tỷ đồng và năm 2022 có khả năng còn cao hơn”, ông Lĩnh dẫn chứng.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, không chỉ cước vận tải biển tăng mà nhiều vật tư khác như bao bì, thức ăn thủy sản cũng tăng từ 20-30% so với trước, giá tôm nguyên liệu vì thế cũng phải tăng theo. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn chưa trả hết các đơn hàng bị nợ từ năm 2021 do bị gián đoạn bởi giãn cách xã hội.
Các đơn hàng mới và cũ đang được giao xen kẽ để doanh nghiệp cầm cự bởi việc đàm phán giá bán mới khá khó khăn. Để có thể đảm bảo lợi nhuận thì giá bán các đơn hàng năm nay phải tăng từ 20-30% so với năm 2021 nhưng phần lớn các đối tác chỉ chấp nhận mức tăng tối đa 10-15% vì thu nhập của người tiêu dùng giảm, không thể chấp nhận mức giá thực phẩm quá cao.
Trước thực tế trên, ông Hồ Quốc Lực cho rằng, cần có giải pháp hạ giá thành nuôi tôm từ việc tăng tỉ lệ thành công ao nuôi. Như vậy cần con giống tốt và quy trình nuôi phù hợp; trong đó chú trọng tối ưu hệ số thức ăn, bởi thức ăn có thể chiếm hơn 50% giá thành nuôi tôm. Khi cải thiện giá thành nuôi sẽ góp phần cải thiện giá thành tôm chế biến, sẽ tăng sức cạnh tranh tôm Việt trên thị trường thế giới.
Đồng thời, phải cải tiến dây chuyền tăng năng suất, giảm lệ thuộc lao động và tăng mức vệ sinh an toàn cho sản phẩm; trong đó chú trọng ứng dụng ở những nhà máy sắp xây dựng mới, tạo nền cho một bước tăng trưởng về trình độ chế biến tôm so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Cùng với đó, ông Hồ Quốc Lực nhấn mạnh, cần khẩn trương thúc đẩy đánh mã số cơ sở nuôi bởi đây là xu thế tất yếu. Việc này càng nhanh chỉ có lợi cho tốc độ tăng trưởng và thâm nhập các hệ thống phân phối cao cấp bởi các hệ thống này cần kiểm soát, truy xuất cả chuỗi.
Gia tăng cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng thị trường yêu cầu, cụ thể như ASC, BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất). Như vậy, nên có giải pháp tích điền hay thành lập dự án kêu gọi đầu tư nuôi tôm. Chỉ có cơ sở nuôi có quy mô lớn mới mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đầu tư, ứng dụng các thành tựu mới vào nuôi tôm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các địa phương có điều kiện phát triển nuôi tôm cần nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi nhằm phát triển xanh, bền vững. Đây là giải pháp lớn trong chiến lược phát triển ngành tới năm 2030. Có quy hoạch hoàn thiện sẽ giảm rủi ro trong việc nhiễm chéo, cung ứng và xử lý nguồn nước nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường.
Ngoài vùng nuôi, nước nuôi, điện, đường còn phải chú ý vùng cung ứng lao động và cả cơ sở chế biến. Sự đồng bộ này sẽ góp phần tăng hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm tôm của Việt Nam.