Đây là các Dự án truyền tải điện trọng điểm Quốc gia nhằm kịp thời giải tỏa công suất cho Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) BOT Vân Phong 1 và các nhà máy năng lượng tái tạo trong khu vực, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam. Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) và Ban QLDA các công trình điện miền Nam (SPMB) đại diện Chủ đầu tư quản lý các Dự án này.
Hiện EVNNPT đang tập trung mọi nguồn lực khẩn trương đảm bảo tiến độ hoàn thành các Dự án theo cam kết với Chủ đầu tư NMNĐ BOT Vân Phong 1 không chậm hơn tháng 12/2022. Riêng TBA 220 kV Cam Ranh hoàn thành trong tháng 6 này.
EVNNPT cho biết, dự án TBA 500 kV Vân Phong được xây dựng trên địa bàn xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Cùng với đó là tuyến đường dây 220 kV 4 mạch và 2 mạch, dài 26,1 km từ TBA 500 kV Vân Phong đến TBA 220 kV Vân Phong (tại Ninh Hòa) và đấu nối vào 1 mạch của đường dây 220 kV Vân Phong (tại Ninh Hòa) - Tuy Hòa. Tuyến đường dây đấu nối 220 kV được xây dựng trên địa bàn các xã Ninh Phước, Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Thọ, Ninh Đông và Ninh An thuộc thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Dự án xây dựng mới đường dây 500 kV 2 mạch Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân dài khoảng 156,78 km là đường dây mạch kép, thuộc nhóm A, cấp đặc biệt. Dự án có nhiệm vụ giải phóng công suất của Trung tâm Điện lực Vân Phong; trong đó có NMNĐ BOT Vân Phong 1, Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào hệ thống điện Quốc gia.
Với tầm quan trọng này, Dự án được Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rất quan tâm và chỉ đạo sát sao, thể hiện uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dự án đi qua địa bàn các huyện Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm và thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) và các huyện Bác Ái, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam (Ninh Thuận). Riêng tuyến đường dây 500 kV đấu nối TBA 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân cũng đang gấp rút triển khai.
Đối với Dự án đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm có quy mô xây dựng mạch kép với chiều dài khoảng 88,06 km; xây dựng mới 1 ngăn xuất tuyến 220 kV tại TBA 220 kV Nha Trang và 1 ngăn xuất tuyến 220 kV tại TBA 220 kV Tháp Chàm. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của ngân hàng Tái thiết Đức. Sau khi Dự án hoàn thành sẽ giải tỏa công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo trên địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng cao của khu vực Nam miền Trung.
Dự án đường dây 220 kV Krông Búk - Nha Trang (mạch 2) đi qua địa phận các huyện Krông Búk, Krông Năng, Ea Kar, M’Đrăk (Đắk Lắk) và thị xã Ninh Hòa, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) có chiều dài gần 147 km. Sau khi hoàn thành dự án sẽ phục vụ truyền tải công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Đắk Lắk vào lưới điện Quốc gia. Đồng thời nâng cao độ tin cậy an toàn cung cấp điện cho khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ. Đồng thời cải thiện chất lượng điện áp và giảm tổn thất điện năng lưới điện truyền tải khu vực.
Dự án Trạm biến áp 220 kV Cam Ranh và đấu nối cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho huyện Cam Lâm nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB, đơn vị quản lý dự án TBA 500 kV Vân Phong và đấu nối cho biết, đến giữa tháng 6 này, hai nhà thầu là Alphanam E&C và HECICO đã hoàn thành hàng rào tạm để thi công, phần lắp dựng trụ cổng sân 500 kV, 220 kV; Móng máy biến áp; Móng nhà điều khiển, nhà chờ ca, nhà Bay, nhà bảo vệ, bể nước cứu hỏa, cầu vào trạm, phần móng thiết bị sân 500 kV. Nhà thầu đang lắp đặt cống thoát nước, mương cáp; thi công móng thiết bị sân 220 kV, lắp đặt trụ đỡ thiết bị … Đồng thời hoàn thành đào móng 60/66 vị trí, đúc móng 52/66 vị trí và dựng cột 38/66 vị trí.
Theo đánh giá của CPMB, tại Dự án này, các vị trí móng chưa hoàn thành dự kiến hai nhà thầu sẽ hoàn thành trước ngày 10/7 tới; các vị trí lắp dựng cột thép còn lại nhà thầu cam kết hoàn thành trong tháng 7/2022, phần dây dẫn sẽ kết thúc kéo dây trong tháng 9/2022. Khó khăn hiện nay là nhiều vị trí ở khu vực ruộng, ao sen dễ bị ngập khi có mưa, triều cường. Một số vị trí có mặt bằng thi công hẹp…
Nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng phục vụ thi công đóng điện công trình vào tháng 12/2022, CPMB và các nhà thầu đang bám sát chính quyền địa phương khẩn trương hoàn thiện kê kiểm, xét nguồn gốc đất, lập, phê duyệt phương án bồi thường chi trả tiền bàn giao mặt bằng vị trí móng còn lại kết thúc trong tháng 6/2022 và hành lang tuyến trong tháng 8/2022.
Đối với Đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân hiện các nhà thầu đã đào móng 270/304 vị trí, hoàn thành đúc móng 228/304 vị trí, dựng cột 170/304 vị trí. Các nhà thầu cam kết hoàn thành phần đúc móng trước ngày 20/7 và từ tháng 7 tới sẽ triển khai kéo dây.
Đánh giá của CPMB cho thấy, tại Dự án này, với các vị trí qua rừng, nằm khu vực đồi núi nên vận chuyển vật tư vật liệu, mở đường thi công rất khó khăn. Đường vào các vị trí từ 08 - 24 là đường độc đạo do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa quản lý chỉ cho phương tiện có tổng trọng tải dưới 10 tấn vào, không thể đưa máy công suất lớn để triển khai thi công Một số móng vướng đá nên thời gian hoàn thành đào móng kéo dài. Thời tiết trong tháng 5 vừa qua mưa nhiều ảnh hưởng đến đúc móng, vận chuyển và lắp dựng cột thép.... Trong khi đó, đường dây đi qua khu vực hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận có nhiều nhà máy năng lượng tái tạo nên việc cắt điện để kéo dây các khoảng giao chéo sẽ gặp khó khăn cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị liên quan.
Về tiến độ thi công, ông Nguyễn Đình Thọ - Phó Giám đốc CPMB cho biết, đơn vị đã yêu cầu các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, thiết bị thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi trong tháng 6 làm thêm ca để đẩy nhanh tiến độ thi công, sẵn sàng vật tư, thiết bị rải căng dây. Đối với các vị trí móng có địa hình phức tạp hoặc qua rừng còn lại chưa thi công móng, CPMB đã yêu cầu nhà thầu tính đến giải pháp vận chuyển cột thép, dây dẫn đồng bộ với quá trình vận chuyển vật liệu đúc móng.
Tại vị trí 39 của đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân, cao 94m, vượt 2 khoảng vượt hai đường dây 220 kV đang hiện hữu thuộc xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa, ông Thân Minh Nguyên, Phó Giám đốc Chi nhánh Sông Đà 11.5 cho biết, đơn vị chịu trách nhiệm thi công gói thầu số 5 đường dây này với 40 vị trí. Sau khi nhận gói thầu từ 28/12/2021, đơn vị vừa giải phóng mặt bằng, đền bù, vừa dựng cột và kéo dây. Đến giữa tháng 6 này, nhà thầu đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% móng trụ, phần hành lang tuyến được 92%, còn vướng 2 điểm do di dời tái định cư cho các hộ dân nên trong tháng 6 này sẽ hoàn thành nốt.
“Sau khi giải phóng mặt bằng chúng tôi đồng loạt triển khai các vị trí để tháng 7 sẽ hoàn thành phần móng, 2 vị trí dưới đầm tôm sẽ hoàn thành trong tháng 8. Theo kế hoạch tháng 11/2022 sẽ hoàn thành kéo dây nhưng nhà thầu sẽ hoàn thành trong tháng 9”, Phó Giám đốc Chi nhánh Sông Đà 11.5 cho hay.
Theo ông Nguyên, khó khăn trong quá trình thi công là gói thầu có 7 vị trí qua rừng phòng hộ và 12 vị trí qua rừng sản xuất, tự nhiên. Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Khánh Hòa quản lý hồ Tiên Du đã cấm công nhân đi qua đập thủy lợi vào thi công. Nhà thầu đã công văn báo cáo tỉnh Khánh Hòa để cho phép nhà thầu vào vận chuyển thiết bị thi công. Với 10 vị trí qua đầm tôm phải làm theo thủy triều khi nước lớn thì tàu mới vận chuyển vật tư thiết bị vào được nên một ngày nhà thầu chỉ làm được 4 tiếng, ảnh hưởng tới tiến độ chung của gói thầu vì mùa mưa tới sẽ không làm được.
Hiện đã có 3 chi nhánh và một tổng đội với 220 công nhân trực tiếp thi công tại gói thầu này. Sang đầu tháng 7 tới nhà thầu sẽ bổ sung 6 đội dựng cột và thiết bị cơ giới kéo dây với gần 300 công nhân để hoàn thành phần dây dẫn trong tháng 9 năm nay.
Công ty cổ phần Alphanam E&C thi công gói 6, xây lắp toàn bộ trạm, lắp đặt nhất thứ nhị thứ, hoàn thiện mặt bằng trạm.... Ông Nguyễn Trọng Hùng, cán bộ kỹ thuật phụ trách trực tiếp thi công TBA 500 kV Vân Phong và đấu nối cho biết, sau khi chủ đầu tư bàn giao toàn bộ mặt bằng trạm, nhà thầu đang cố gắng đáp ứng tiến độ và đóng điện đúng hạn.
“Sắp tới vào mùa mưa, sẽ rất khó khăn cho xây dựng, đặc biệt là các hạng mục ngầm, do vậy nhà thầu cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục ngầm trước mùa mưa, sau đó lắp đặt thiết bị bên trên. Nhà thầu cũng chuẩn bị phương án nếu mưa kéo dài”, ông Hùng nói.
Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp điện Hải Phòng liên danh với Alphanam đang kéo dây vị trí 17 - 22 thuộc xã Ninh Thọ đường dây 220 kV đấu nối từ trạm 500 kV Vân Phong đến trạm 220 kV Vân Phong. Đây là dự án trọng điểm Quốc gia vì trước khi NMNĐ BOT Vân Phong hòa lên lưới điện Quốc gia thì phải chạy thử, đóng điện qua đường dây này. Do vậy đây là một trong những dự án được sự quan tâm lớn của Chủ đầu tư, chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng.
Ông Đoàn Thế Bình, Chỉ huy trưởng Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp điện Hải Phòng cho biết, nhà thầu đảm nhận thi công gói thầu từ vị trí 1 - 48. Hiện phần móng đã bàn giao mặt bằng 100%, đang thi công hoàn tất vị trí móng cuối để đến cuối tháng 6 này sẽ hoàn thành. Phần hành lang tuyến cũng đạt 55/60 khoảng cột. Việc lắp dựng cột đã đạt 80% và đến giữa tháng 7 nhà thầu phấn đấu hoàn thành lắp dựng cột, đến tháng 9 sẽ hoàn thành kéo dây.
Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án giải tỏa công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1 nhằm rà soát các tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ cụm Dự án diễn ra chiều 17/6 ở Khánh Hòa, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT nhấn mạnh: Các Ban quản lý dự án CPMB/SPMB và các nhà thầu phải đặt mục tiêu trước ngày 26/12 đóng điện hai đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân và tuyến đường dây 500 kV đấu nối TBA 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân. Trước đó, ngày 15/9 phải hoàn thành đóng điện hai đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm và Krông Búk - Nha Trang. Đây chính là đường găng quan trọng của cụm Dự án.
Bài 2: Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng