CPI tháng 4 tăng nhẹ, sức mua hồi phục

Sau khi giảm mạnh vào tháng 3/2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), CPI tháng 4 tăng thấp phù hợp với quy luật tiêu dùng.


Mức tăng thấp không đáng lo


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố ngày 24/4, CPI tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2013. CPI tháng 4 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa và dịch vụ chung với mức tăng từ 0,04 - 0,33%; trong đó, mức tăng nhẹ nhất thuộc về nhóm thuốc và dịch vụ y tế và tăng nhiều nhất là nhóm giao thông. Riêng nhóm nhà ở và vật liệu giảm nhẹ ở mức -0,56%. Thừa Thiên - Huế là địa phương có CPI tăng cao nhất ở mức 0,27%; tiếp đến là Cần Thơ tăng 0,19%; Hải Phòng tăng 0,13%; Hà Nội và Đà Nẵng tăng 0,12%. Khánh Hòa có chỉ số CPI giảm nhẹ 0,15%.

 

Diễn biến CPI tháng 4 phù hợp với quy luật tiêu dùng. Ảnh: Lê Phú

 


Phân tích về biến động chỉ số giá của một số nhóm hàng hóa tiêu biểu, ông Nguyễn ĐứcThắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết: Nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên chỉ số giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm ổn định hoặc giảm nhẹ. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 0,33% chủ yếu do tác động của việc tăng giá xăng dầu.


Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng cũng bắt đầu tăng do thời tiết nắng nóng như bia hơi và nước ngọt, mặt hàng vải mùa hè và quần áo may sẵn mùa hè. Bên cạnh đó, các mặt hàng đồ điện gia dụng như: quạt trần, quạt bàn, tủ lạnh, điều hòa bắt đầu tăng theo nhu cầu mùa nóng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, do thu nhập của người dân còn hạn chế nên sức mua hàng hóa cũng không có nhiều biến động và tác động đến giá cả không lớn.


Đề cập tới CPI tháng 4 tăng thấp, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - Xã hội quốc gia cho rằng: Theo quy luật diễn biến CPI của Việt Nam trong các tháng 3, tháng 4 thường giảm hoặc không tăng.


Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (TCTK) cũng cho rằng, diễn biến CPI trong tháng này không có gì bất thường. Bởi, từ năm 2008 trở lại đây, CPI các tháng 4, ngoại trừ của hai năm có lạm phát cao là 2008 và 2011, có mức tăng cao, tương ứng tăng 2,2% và 3,32% thì đều tăng rất thấp. Cụ thể, CPI tháng 4 năm ngoái tăng 0,02%; năm 2012 tăng 0,05%; còn năm 2010 là 0,14%; trong khi năm 2009 là 0,35%.


Bớt lo ngại về tổng cầu thấp


Bà Ngọc cho biết: Việc điều chỉnh giá xăng dầu luôn là mối lo ngại tác động nhiều tới CPI. Tuy nhiên trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4, chỉ số giá xăng dầu chỉ tăng 0,55% so tháng trước nên không có tác động nhiều đến CPI. “Giá xăng dầu tác động trực tiếp tới lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, các doanh nghiệp vận tải cũng không dám tăng giá dịch vụ trong phạm vi có thể “chịu đựng được” với giá xăng dầu sau khi tăng”, đại diện Vụ Thống kê giá nói.


Theo Vụ Thống kê giá, hầu hết các địa phương đã tăng giá dịch vụ y tế (viện phí) theo đúng lộ trình, ngoại trừ TP Hồ Chí Minh dự định sẽ tăng giá dịch vụ y tế vào tháng 6/2014. Giá dịch vụ giáo dục (học phí) theo lộ trình phải đến tháng 9/2014 mới tăng 10 - 15%. Giá điện, nước đã có lộ trình tăng, thời điểm tăng. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã tính toán tất cả các yếu tố này, nên mới trình Quốc hội thông qua mức lạm phát mục tiêu trong năm nay là dưới 7%. Nếu giá xăng dầu tăng mạnh, Chính phủ sẽ sử dụng nhiều công cụ khác nhau, như Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu, tạm thời chưa cho doanh nghiệp đầu mối sử dụng lãi định mức để kiểm soát giá xăng dầu bán lẻ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, do sức cầu yếu nên CPI tháng 4 tăng đã giúp đẩy lùi lo ngại về việc tổng cầu phục hồi quá yếu hay nguy cơ giảm phát của nền kinh tế.


“Với lạm phát hiện giờ chỉ là 0,88%, các tháng giữa năm CPI cũng tăng không cao, thì khả năng, cả năm nay, lạm phát chỉ ở mức 4 - 5%”, ông Ân dự báo và cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến CPI tháng 4 tăng thấp là vì sức mua của nền kinh tế vẫn còn yếu.


Phân tích thêm về tác động của sức mua tới chỉ số giá, bà Đỗ Thị Ngọc cho hay: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 4 đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố giá tổng mức 4 tháng đầu năm nay đã tăng 5,5% so với cùng kỳ (trong khi năm ngoái tăng 4,9%). Vì vậy, cũng không nên quá lo ngại về sức mua.


Dự báo về tình hình của tháng 5, ông Thắng cho rằng: CPI sẽ không tăng cao, các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế ổn định. Dự kiến, CPI trong tháng 5 sẽ tăng nhẹ khoảng từ 0,1- 0,2% so với tháng 4.


Ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo: Do nhu cầu tiêu dùng sẽ không có nhiều biến động nên lạm phát tháng 5 và 6 sẽ phụ thuộc nhiều vào biến động của một số mặt hàng thiết yếu, chủ yếu là việc điều chỉnh giá của các mặt hàng cơ bản như xăng dầu, điện, gas...

 

Minh Phương

CPI giảm do sức mua yếu
CPI giảm do sức mua yếu

Chỉ số giá nhiều nhóm quan trọng như lương thực, thực phẩm, giao thông, vật liệu xây dựng đã giảm sâu so với tháng 2. Đây là một trong những yếu tố dẫn tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2014 đã giảm 0,44/% so với tháng 2/2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN