CPI tăng thấp, mừng hay lo?

Trong 2 tháng liên tục (tháng 1 và tháng 2/2014), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước ta đều tăng ở mức thấp. Tháng 1, CPI chỉ tăng 0,69%, tháng 2 còn tăng thấp hơn (tăng 0,55%). Trong khi đó, những tháng có Tết Nguyên đán hàng năm vẫn là thời điểm tăng đột biến CPI. Việc CPI tăng thấp hiếm thấy này vừa là tín hiệu mừng, lại vừa cần cảnh báo.


Giá cả ổn định, chi tiêu ít


Lý giải tình trạng tháng 2 là “tháng Tết” mà CPI tăng không đáng kể (chỉ 0,055% so với 1/2014), Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng Cục thống kê Nguyễn Đức Thắng cho biết: thời tiết thuận lợi nên lượng nông sản dồi dào, giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng nhẹ trong những ngày cận Tết. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, người tiêu dùng đã cân nhắc hơn trong chi tiêu, sức mua chỉ tăng tập trung vào các ngày 23 và các ngày 28, 29, 30 tháng Chạp nên giá chỉ tăng cao hơn vào những ngày này, sau đó giá cả nhanh chóng ổn định trở lại. “Đây được coi là tháng Tết có mức tăng thấp nhất trong vòng mười năm qua” - ông Thắng cho biết.

 

Khách chọn mua hàng tại siêu thị OceanMart - Chi nhánh quận Thanh Xuân. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN


Ở góc nhìn tổng thể, CPI của hai tháng đầu năm tăng thấp có nguyên nhân từ các giải pháp vĩ mô nhằm kiềm chế lạm phát, nhất là ngăn chặn trước các cơn sốt giá dễ thường xảy ra vào dịp Tết cổ truyền. Nhiều địa phương, nhất là các đô thị, trung tâm thương mại lớn đã tăng cường bán hàng bình ổn giá bằng cách tăng chủng loại hàng, số lượng hàng hóa và điểm bán hàng. Về điều hành kinh tế, trong tháng 2/2014 việc Ngân hàng Nhà nước hút ròng trên 14,6 nghìn tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở cũng là một động thái góp phần tích cực giảm mức tăng CPI. Bên cạnh đó là nguyên nhân từ tổng cầu thấp, vốn đầu tư những tháng đầu năm chậm được khởi động.


CPI hai tháng qua tăng ở mức thấp cũng thể hiện nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao. Điều này kết hợp với số tiền gửi vào các ngân hàng gấp rưỡi số cho vay chỉ ra thực tế: người dân có tâm lý tiết kiệm chi tiêu so với trước.


Việc tăng thấp của CPI trong 2 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để CPI năm 2014 sẽ vượt (thấp hơn) mục tiêu đề ra (khoảng 7%) và là năm thứ 3 liên tục tăng thấp, thậm chí còn kỳ vọng sẽ là năm thứ 3 liên tục tăng thấp xuống (năm 2012 tăng 6,81%, năm 2013 tăng 6,04%, năm 2014 sẽ thấp hơn 6%).

CPI 2 tháng đầu năm 2014 của nước ta tăng thấp nhất tính từ năm 2002, thấp xa so với CPI bình quân của cùng kỳ trong 12 năm trước (tăng 3,37%). Nếu so sánh xa hơn, thì CPI 2 tháng đầu năm nay thấp thứ hai so với CPI cùng kỳ trong hơn 30 năm qua, chỉ thấp thua CPI cùng kỳ năm 2001 (tăng 0,7%), 1 trong 3 năm có CPI cả năm được coi là thiểu phát (năm 1999 tăng 0,1%, năm 2000 giảm 0,6%, năm 2001 tăng 0,8%).


Đây là điều kiện để các ngân hàng thương mại huy động tiền gửi, cải thiện thanh khoản khi lãi suất huy động giảm xuống, hạ lãi suất cho vay... Thậm chí, điều này còn có thể tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa (bằng việc các ngân hàng thương mại đầu tư gián tiếp thông qua việc mua trái phiếu Chính phủ trong điều kiện tăng trưởng tín dụng gặp khó khăn).


Cần thận “thiểu phát”


CPI tăng ở mức thấp phản ánh công tác điều hành vĩ mô và các chương trình bình ổn giá đã phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh nhiều điều đáng chú ý.


Tại TP Hồ Chí Minh, những nhóm hàng nhạy cảm, CPI vốn thường tăng cao trong các dịp lễ Tết như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm văn hóa, dịch vụ và du lịch thì tháng 2 này có mức tăng không cao, không quá khác biệt với ngày thường. Một số nhóm khác còn giảm giá hoặc giá không thay đổi so với tháng trước. Dù số ngày nghỉ Tết dài, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu có tăng nhưng không quá đột biến so với ngày thường. Nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân cũng không có sự cải thiện rõ rệt khiến chỉ số giá nhóm văn hóa, thể thao và du lịch chỉ tăng 0,28% so với tháng trước.

Hàng loạt sự kiện văn hóa, vui chơi giải trí được kỳ vọng sẽ thu hút người nhiều người dân tham gia trong suốt dịp Tết Nguyên đán nhưng thực tế lượng người tham gia vui chơi không nhiều nên không thể khiến chỉ số giá nhóm này tăng vọt. Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép chỉ tăng 0,02% do lượng người mua sắm quần áo mới không nhiều mặc dù các cửa hàng thời trang đã có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá.


Trên quy mô cả nước, việc 2 tháng liên tiếp CPI tăng ở mức thấp đặt ra vấn đề: trước hết, có khả năng sẽ lặp lại diễn biến của 2 năm trước (tăng thấp, thậm chí còn có dấu hiệu của thiểu phát) từ tháng 3 - tháng 7 (năm 2012 giảm 0,16%, năm 2013 tăng chưa đến 0,1%). Mặc dù vẫn đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm, nhưng về “nhịp độ” vẫn là tư duy “kiềm chế”, chứ chưa phải là tư duy “kiểm soát” như mục tiêu của năm nay.

 

BTV (tổng hợp)

CPI tháng 2 tăng thấp

Theo phân tích mới nhất của Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê - TCTK), thông thường tháng 2 hàng năm có Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ tăng đột biến... Tuy nhiên, CPI tháng 2/2014 lại tăng khá thấp so với tháng 2 các năm trước đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN