Công trình tiền tỷ ở Kon Tum: “Chết” từ đầu nguồn

Năm 2007, từ nguồn vốn của chương trình giống quốc gia, tỉnh Kon Tum đã được ưu ái đầu tư xây dựng công trình Trạm giống nông nghiệp với tổng kinh phí lên đến 17 tỷ đồng nhằm cung cấp lượng giống khoảng 1 triệu con/năm cho địa phương. Sau 4 năm xây dựng, đến năm 2012 công trình đã chính thức được bàn giao và đưa vào sử dụng


Công trình trạm giống có tổng diện tích gần 9 ha được xây dựng trên địa bàn xã Đăk La, huyện Đăk Hà, có 45 ao hồ lớn nhỏ các loại, cùng nhiều hạng mục khác như nhà điều hành, nhà sinh sản cá, kho chứa thức ăn… Nhưng sau khi được bàn giao đưa vào sử dụng thì các ao hồ - hạng mục chủ lực để nuôi trồng phát triển cá giống, cá thịt lại cạn nước.


 

Các ao lớn của Trạm giống nông nghiệp Đăk La bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm.

 

Mặc dù đã vào mùa mưa nhưng khi chúng tôi đến Trạm giống nông nghiệp Đăk La thì gần như tất cả các hồ vẫn cạn nước. Các ao lớn bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm. Có 4 hồ lớn đầu tiên khi từ cổng đi vào, ở ngay con suối dẫn nước, mà cũng cạn. Theo anh Nguyễn Văn Sâm, phụ trách trạm, thì hiện chỉ có 7 ao còn sử dụng để nuôi cá trắm, rôphi, mè (cả giống và thịt), còn lại tất cả đều phải bỏ hoang vì thiếu nước.


Theo thiết kế, nguồn cung cấp nước từ hồ Cà Sâm trên địa bàn cũng đã cạn. Ngoài ra, nguồn nước này lại dùng chung nước để sản xuất nông nghiệp của người dân, các con kênh dẫn nước trước khi về hồ đã phải cạnh tranh với hàng loạt nương rẫy, ruộng vườn của dân nên khi nước đến thì cũng chẳng còn lại bao.


Không những thế, trước khi đến ao nguồn nước đã được dùng tưới tiêu cho hàng trăm ha cây trồng có sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật nên nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng lớn đến đàn cá giống. Những bất cập này cũng được ông Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum - đơn vị chủ đầu tư, quản lý dự án) thừa nhận.


Theo ông Năm, để khắc phục được những khiếm khuyết trên, đơn vị chỉ cần nạo vét lòng hồ, sử dụng nguồn nước từ hồ Mùa Xuân - công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Kon Tum hoặc có thể bơm nước từ suối Kon Trang về công trình là ổn. Tuy nhiên để làm được điều này phải có tối thiểu 5 tỷ đồng, trong đó 3 tỷ đồng làm đường ống riêng dẫn nước về và 2 tỷ đồng để xây dựng trạm hạ thế điện.

 

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Kon Tum mời chào y, bác sĩ về công tác

Tỉnh Kon Tum đang thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ nhằm thu hút y, bác sĩ về công tác tại địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN