Công suất tiêu thụ điện toàn quốc lại lập đỉnh mới

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, công suất tiêu thụ điện toàn quốc ngày 2/6/2021 lại tiếp tục lập đỉnh mới là 41.558 MW.

Chú thích ảnh
Công nhân Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội kiểm tra phòng ngừa sự cố điện. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Như vậy, nếu so với mức đỉnh năm 2020 thì công suất đỉnh toàn quốc ngày 2/6/2021 đã cao hơn 3.200 MW - gần tương đương với mức tổng công suất của cả Nhà máy thủy điện Sơn La (2.400 MW) và thuỷ điện Lai Châu (1.200 MW).

Hiện nay, các tỉnh miền Bắc, miền Trung đang trong giai đoạn thời tiết rất khắc nghiệt khi nhiệt độ nhiều nơi cao hơn 40 độ C và đợt nắng nóng còn tiếp diễn trong những ngày tới. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, các khu vực Sơn La, Hòa Bình, trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nhiệt độ cao nhất của các vùng trên phổ biến từ 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C như: Phù Yên (Sơn La), Lạc Sơn (Hòa Bình), Láng (Hà Nội), Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Đô Lương (Nghệ An), Đông Hà (Quảng Trị), Ba Tơ (Quảng Ngãi)… Các nơi khác ở Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài làm nhiều thiết bị điện liên tục vận hành đầy tải, thậm chí quá tải ở một số thời điểm dẫn đến nguy cơ xảy ra các sự cố cục bộ trên lưới điện.

Nắng nóng gay gắt, độ ẩm rất thấp còn làm tăng cao nguy cơ gây cháy rừng dẫn đến ảnh hưởng vấn đề vận hành an toàn của các đường dây truyền tải điện. Các đơn vị điện lực ở phía Bắc hiện đã tăng cường ứng trực 24/24h và khẩn trương khôi phục nhanh nhất có thể các sự cố về điện.  

Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Điều này dẫn tới nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường.  

EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11h30 đến 15h00, buổi tối từ 20h00 đến 23h00. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có côngthiết bị điện suất lớn để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, cháy nổ về điện.

Điều này vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng điện cho khách hàng và cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với bình thường. Trong tình hình diễn biến dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, các cơ quan y tế cũng khuyến cáo hạn chế dùng điều hòa, thay vào đó cần mở cửa sổ, tăng cường sử dụng quạt để lưu thông không khí.

Với tinh thần xung kích, gương mẫu thực hiện tiết kiệm điện vào những ngày nắng nóng gay gắt cao điểm, trụ sở làm việc của tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam trên địa bàn khu vực phía Bắc đã chủ động thực hiện ngay việc tiết giảm 100% điện chiếu sáng tại khu vực công cộng và giảm 50% điện chiếu sáng tại các khu vực làm việc, đồng thời tiết giảm ít nhất 50% điện cho điều hòa nhiệt độ.

Đức Dũng (TTXVN)
Tiêu thụ điện liên tục tăng cao kỷ lục do nắng nóng
Tiêu thụ điện liên tục tăng cao kỷ lục do nắng nóng

Nắng nóng gay gắt khiến lượng điện tiêu thụ tăng đột biến. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc ngày 1/6 tiếp tục lập kỷ lục mới với con số là 880,3 triệu kWh – tăng tới gần 25% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng hơn 15% so với trung bình tuần trước khi đợt nóng diễn ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN