Công nghiệp hỗ trợ - ‘chìa khóa’ để ngành da giày hội nhập

Để được hưởng thuế suất ưu đãi EVFTA, sản phẩm da giày xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng quy định hàm lượng xuất xứ nguyên phụ liệu. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu của ngành da giày còn thấp. Do đó, về dài hạn, công nghiệp hỗ trợ nội địa vẫn là lĩnh vực cần được tập trung phát triển nếu ngành da giày muốn bứt phá mạnh mẽ trong EVFTA.

Tỷ lệ nội địa hóa chưa cao

Da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hơn 10%/năm. Ngành da giày đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI, chiếm đến 70 - 80%, mặc dù số lượng doanh nghiệp da giày FDI chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ hơn 10% tổng số doanh nghiệp da giày cả nước. 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40 - 45%. Các doanh nghiệp trong nước chiếm gần 70% về số lượng doanh nghiệp, nhưng chỉ chiếm 35% tổng sản lượng da thuộc sản xuất tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ngành da giày được hưởng nhiều lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do. Ảnh: TTXVN.

Thực tế cho thấy, toàn ngành da giày, túi xách Việt Nam với hơn 1.700 doanh nghiệp thì có tới 85% doanh nghiệp hạn chế về vốn, kỹ thuật và công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Tỷ lệ nội địa hóa chưa cao được đánh giá là một trong những “rào cản” của da giày khi tiếp cận các thị trường có yêu cầu cao. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8, EU cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày, dép.

Đáng chú ý, mức thuế cho giày thể thao, loại sản phẩm chiếm một lượng lớn giày xuất khẩu vào châu Âu sẽ được giảm ngay khi Hiệp định có hiệu lực chứ không chịu mức bảo hộ 7 năm như sản phẩm giày da.

Các cam kết ưu đãi giảm thuế của Hiệp định EVFTA sẽ giúp sản phẩm da giày Việt Nam cạnh tranh hơn các sản phẩm Trung Quốc tại thị trường châu Âu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp da giày chỉ được hưởng lợi nếu tự chủ được nguyên liệu và để được hưởng thuế suất thấp, cần phải đáp ứng được quy định về xuất xứ thông qua hàm lượng giá trị trong khu vực khi sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam và các nước thành viên trong EVFTA.

Cùng với đó là các rào cản kỹ thuật áp đặt từ phía EU cùng với các yêu cầu về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và tuân thủ các thủ tục… cũng là khó khăn của nhiều doanh nghiệp.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ 

Theo nhận định của các chuyên gia, tuy ngành da giày đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại như: CPTPP, EVFTA… nhưng việc có thể tận dụng được hay không thì theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước. 

“Công nghiệp hỗ trợ ngành da giày vẫn bị đánh giá là còn điểm yếu. Ví dụ như nguyên phụ liệu cho ngành mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của ngành đạt được không cao. Hàng năm, các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu các phụ liệu như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…”, Bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.

Ðề cập giải pháp cho vấn đề này, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, nhà nước cần hỗ trợ ngành hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành. Các khu công nghiệp này phải có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Chính phủ tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp có công nghệ xử lý nước thải tiên tiến hỗ trợ doanh nghiệp da giày. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Về phía các cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ có hỗ trợ chính sách, còn việc hiện thực hóa hiệu quả các chính sách này rất cần sự chủ động của doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, nằm bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại trong thời gian tới.

Để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngày 6/8/2020 với nhiều chính sách mới.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.

Năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra nhiều nhóm giải pháp, bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển CNHT, đồng thời xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả cho các ngành công nghiệp vật liệu và phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững.

Nghị quyết cũng đề cập, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng; Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất (tối đa 5%/năm) đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển....

Thu Trang/Báo Tin tức
Dệt may, da giày lo lắng 'cầm cự' đến cuối năm
Dệt may, da giày lo lắng 'cầm cự' đến cuối năm

Vào thời điểm này của những năm trước, các doanh nghiệp da giày, dệt may đều đã có đơn hàng đến cuối năm và nửa đầu năm sau. Nhưng năm nay, nhiều doanh nghiệp mới chỉ được nhận đơn hàng theo tuần, xuất khẩu sang các thị trường hàng đầu của Việt Nam đều sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN