Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tốc

Tình hình sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2014 đã ghi nhận những chuyển động tích cực, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

 

Xuất siêu 1,26 tỉ USD


Tại buổi họp báo thường kì tháng 7 diễn ra hôm qua (4/8) tại Hà Nội, Bộ Công Thương cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 0,2% so với tháng 6 và tăng 7,5% so với cùng kì năm 2013. Sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp đã tạo đà giúp cho kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 12,4 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kì. Tính cả 7 tháng đầu năm, xuất khẩu đã tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.

 

Kiểm tra, đóng gói sản phẩm Yến sào xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp bớt khó khăn hơn và là tín hiệu khả quan để ngành công nghiệp có thể tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới, đóng góp tốt hơn cho toàn bộ nền kinh tế. Nếu quý I, GDP do ngành công nghiệp tạo ra chỉ tăng 4,88%, thấp hơn tốc độ tăng 5,09% của toàn bộ nền kinh tế thì 6 tháng tăng 5,45%, cao hơn tốc độ tăng 5,18% của toàn bộ nền kinh tế.


Công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp và được coi là một trong những tiêu chí để xét xem một nước đã chuyển thành nước công nghiệp hay chưa - đã tăng cao hơn tốc độ chung của toàn ngành (tăng 8,1% so với tăng 6,2%) và đó là xu hướng tích cực. Trong ngành này, một số ngành cụ thể tăng khá, như dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng, sản xuất kim loại, sản phẩm từ kim loại, điện tử máy tính, xe có động cơ, thiết bị điện, giấy và sản phẩm từ giấy...


Về sự cố vỡ đê bao đập thủy điện Ia Krêl 2, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến trực tiếp hiện trường để kiểm tra làm rõ nguyên nhân. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công văn gửi chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiện. Nếu sai phạm nghiêm trọng do vô trách nhiệm, phải xử lý theo pháp luật bởi đây đã là lần thứ 2 xảy ra sự cố.

Nhờ hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cả nước, xuất siêu cả nước ước 1,26 tỷ USD, bằng khoảng 1,5% kim ngạch xuất khẩu, góp phần bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong cơ cấu xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 15,2% so với cùng kỳ, tương đương với tăng gần 7,95 tỷ USD. 7 tháng năm 2014. Tính riêng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 60,24 tỷ USD, chiếm 72,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng nông sản, thủy sản cũng tăng 12,6% nhờ nhiều mặt hàng chủ lực như thủy sản, nhân điều, cà phê... tăng trưởng cao.


Tuy nhiên, các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao đều do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99,5% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98,4%); giầy dép (77,2%); hàng dệt may (60%); máy ảnh (96%). Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu về năng lực cạnh tranh.


Xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường


Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và phát triển xuất khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh vai trò của việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam. “Trước hết, cần tập trung đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị lớn của Việt Nam như lúa gạo và thủy sản. Việc quá phụ thuộc vào một thị trường nào đó đều không tốt, chứ không riêng gì thị trường Trung Quốc. Do đó, Bộ đang đẩy nhanh việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan và thúc đẩy xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.


Chưa tăng giá điện

Cũng tại buổi họp báo ngày 4/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, giá điện trước mắt sẽ chưa tăng. Theo ông Hải, theo đúng quy trình, nếu muốn tăng giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải gửi đề xuất và được Bộ cho phép mới được tăng. Bộ Công Thương hiện vẫn chưa nhận được đề xuất gì từ phía EVN nên trước mắt giá điện sẽ chưa tăng.

Xuất khẩu hàng nông sản có vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta, do đó, trong 5 tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều… đi đôi với nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường; kịp thời thông báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu về các loại rào cản của các nước nhập khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa, tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.


Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Chính phủ tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn tập trung cho chương trình xúc tiến thương mại (XTTM), nhất là thị trường trong nước bởi nguồn vốn cho cho hoạt động này còn quá nhỏ bé, khó mang lại hiệu quả cao. Theo ông Hải, Ngân sách Nhà nước cho XTTM của Việt Nam thuộc diện thấp nhất thế giới, chỉ bằng 1/30 ngân sách trung bình của các nước trên thế giới. “Trước đây, chúng ta chỉ chú trọng XTTM để xuất khẩu nhưng nay còn hướng đến cuộc vận động ưu tiên sử dụng hàng Việt và XTTM tại biên giới, hải đảo”, ông Hải nói.

Hoàng Dương – Thu Hồng

Đổi mới công nghiệp chế biến- Bài 1: Bất lực nhìn trái cây chín rộ
Đổi mới công nghiệp chế biến- Bài 1: Bất lực nhìn trái cây chín rộ

Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, rất thuận lợi cho các loại cây ăn quả, cây công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, khí hậu nóng ẩm quanh năm là tác nhân khiến cho các sản phẩm nông nghiệp nhanh bị hỏng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN