Dấu ấn 10 năm, từ nhập siêu sang xuất siêu
Nói tới kết quả đạt được trong xuất nhập khẩu hàng hoá trong 10 năm, thời kỳ 2011 - 2020, nổi bật hơn cả là màn xoay chuyển ngoạn mục cán cân thương mại từ nhập siêu triền miên sang xuất siêu liên tục.
TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích: “Tính từ năm 1986 đến năm 2011, Việt Nam là quốc gia nhập siêu kinh niên. Thậm chí, giai đoạn 2007 - 2011, nhập siêu của Việt Nam đều vượt 10 tỷ USD/năm. Đáng chú ý, năm 2008 Việt Nam nhập siêu kỷ lục tới gần 20 tỷ USD. Sau đó, Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu liên tục từ năm 2012 (trừ năm 2015). Đặc biệt, xuất siêu của Việt Nam năm sau tăng cao hơn năm trước, vượt xa mục tiêu Chiến lược đề ra là tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và phấn đấu xuất siêu từ năm 2021”.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh khá khó khăn với những “cú sốc” lớn từ bên ngoài và cả khó khăn nội tại, xuất nhập khẩu 10 năm qua vẫn đạt kết quả cao là điều rất đáng ghi nhận, xuất khẩu nhiều nhóm hàng hoá của Việt Nam thậm chí đã thuộc “top” hàng đầu thế giới như: Gạo, cà phê, hạt điều, thuỷ sản, dệt may, da giày...
Nhìn lại toàn cảnh quá trình thực hiện Chiến lược, Bộ Công Thương thông tin, kết quả thu về vượt nhiều mục tiêu đặt ra, điển hình như chỉ tiêu về quy mô và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, giảm nhập siêu. Mục tiêu tổng quát đề ra trong Chiến lược là: “Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 tăng gấp trên 3 lần năm 2010, bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD, cán cân thương mại được cân bằng”. Trên thực tế thực hiện, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 282.655 triệu USD, tăng 3,9 lần so với năm 2010 (72.236 triệu USD). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đầu người tăng nhanh, từ 822 USD năm 2010 lên 2.891 USD năm 2020 (tăng 3,5 lần so với năm 2010). Cán cân thương mại đã chuyển hẳn sang trạng thái thặng dư từ năm 2016, với mức xuất siêu 19,9 tỷ USD năm 2020.
Tuy nhiên, chuyên gia Lê Quốc Phương phân tích: Thành tích xuất khẩu đạt được mới về mặt số lượng, còn chất lượng tăng trưởng vẫn thấp. Hiện nay, giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều nước khu vực ASEAN như: Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines. Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng hầu hết sản phẩm đều là gia công, lắp ráp. Do đó, lợi ích Việt Nam được hưởng từ xuất khẩu không bao nhiêu.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thành tích xuất khẩu của Việt Nam ấn tượng nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tỷ trọng doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu năm 2010 là 54%, đến năm 2020 là 72% và 9 tháng năm 2021 con số này là 74%. Đồng thời, tỷ trọng của doanh nghiệp Việt đã giảm từ 46% năm 2010 xuống 28% năm 2020.
“Năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt còn thấp. Đây là tồn tại lớn nhất, là gốc rễ của vấn đề. Vấn đề này đã được cải thiện trong 10 năm qua nhưng còn xa mới đạt được yêu cầu, kỳ vọng”, ông Lê Quốc Phương nhấn mạnh.
Đầu tư công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng
Bộ Công Thương đang xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2021-2030. Dự thảo Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2021-2030 đặt ra mục tiêu cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 - 2030; hướng đến cán cân thương mại với các đối tác lành mạnh, hợp lý, từ đó bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, trong Dự thảo Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu cân bằng cán cân thương mại bền vững là rất cần thiết. Nếu phát huy được tác dụng của các Hiệp định thương mại (FTA), nhập được nhiều công nghệ nguồn từ Nhật Bản, EU, đặc biệt là vai trò của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày càng được khẳng định; đồng thời thực hiện chủ trương tiếp nhận đầu tư nước ngoài có chọn lọc, xuất khẩu không thiên về số lượng mà tập trung hàng giá trị cao thì mới đảm bảo duy trì cán cân thương mại.
Về mặt hàng xuất khẩu, Dự thảo Chiến lược xuất nhập khẩu 10 năm tới nêu rõ, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu từ mức 85,1% năm 2020 lên khoảng mức 90 - 92% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030; giảm tỷ trọng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu hàng xuất khẩu xuống còn 3 - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030.
Theo ông Phạm Tất Thắng, đây là mục tiêu đúng đắn, việc giảm tỷ trọng trong cơ cấu hàng xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam vốn là một nước mạnh về xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản không có gì đáng lo. Đó là bởi, các mặt hàng nông sản, thực phẩm nếu chế biến sâu sẽ giúp hàng hoá nâng cao giá trị. Hiện nay, nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô, có thể chuyển đổi chế biến sâu để thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, EU là điều cần thiết.
Để đạt được các mục tiêu đề gia, chuyên gia này cho rằng Nhà nước cần có chính sách, môi trường để tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững, tiến tới cân bằng cán cân thương mại. Trong khâu này, điểm quan trọng là tháo gỡ các thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư công nghệ cao và liên kết để tạo chuỗi giá trị, trong đó phải hình thành doanh nghiệp đóng vai trò “nhạc trưởng” trong xuất nhập khẩu. Một yếu tố quan trọng nữa trong thời gian tới là cần tiếp nhận các dự án FDI một cách có chọn lọc nhằm nâng cao thực chất năng lực cạnh tranh, sản xuất hàng hoá.