Công bố đợt 2 danh sách các đơn vị đủ năng lực thực hiện tái chế

Nhằm hỗ trợ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục công bố đợt 2 danh sách các đơn vị đủ năng lực thực hiện tái chế.

Danh sách được lập dựa trên kết quả tiếp nhận, rà soát, tổng hợp các đề nghị công bố của các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì, lấy kiến của cơ quan, địa phương có liên quan. 

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất bao bì. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

28 đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì lần 2 là những đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Bộ cập nhật, bổ sung thông tin của 3 đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì đã được công bố (đợt 1).
 
Các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì được công bố đợt 2 là các đơn vị hoạt động tái chế bao bì; tái chế ắc quy, pin; tái chế dầu nhớt; tái chế săm, lốp; tái chế sản phẩm điện, điện tử. Khác với lần công bố đầu tiên, lần này, trong danh sách công bố không có tổ chức được ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế.
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý khi lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế sản phẩm, bao bì, nhà sản xuất, nhập khẩu phải xem xét thực tế, đánh giá năng lực, công nghệ, công suất của đơn vị tái chế để bảo đảm đáp ứng tỉ lệ tái chế bắt buộc, quy cách tái chế bắt buộc và việc đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường của đơn vị tái chế tại thời điểm ký kết hợp đồng; không ký kết hợp đồng tái chế với các đơn vị tái chế không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
 
Các đơn vị tái chế khác đáp ứng quy cách tái chế bắt buộc và các yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 79 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP có nhu cầu được công bố thông tin gửi thông tin theo Thông báo số 185/TB-BTNMT ngày 7/4/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Vụ Pháp chế để được công bố.
 
Trường hợp đã được công bố nhưng không còn đáp ứng các yêu cầu theo quy định hoặc có thay đổi thông tin đã được công bố cần phải báo cáo ngay bằng văn bản về Bộ (qua Vụ Pháp chế) để xem xét, cập nhật, bổ sung.
 
Trước đó, tháng 3/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh sách đợt 1 gồm 35 đơn vị đủ năng lực thực hiện tái chế. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục lấy ý kiến xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì; chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, xuất khẩu.
 
Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, nếu nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sẽ tự quyết định việc tái chế theo các cách thức sau: Tự thực hiện tái chế; thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế; ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế.
 
Bên được ủy quyền tổ chức tái chế phải có tư cách pháp nhân và được thành lập theo quy định của pháp luật; không trực tiếp tái chế và không có quan hệ sở hữu với bất kỳ đơn vị tái chế nào liên quan đến phạm vi được ủy quyền; được ít nhất 3 nhà sản xuất, nhập khẩu đồng ý ủy quyền tổ chức tái chế.

Hoàng Vân  (TTXVN)
Tái chế nhựa cứng thành nguyên liệu cho máy in 3D
Tái chế nhựa cứng thành nguyên liệu cho máy in 3D

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà khoa học tại Đại học New South Wales (UNSW) của Australia mới đây đã phát minh một thiết bị công nghệ mới nhằm tái chế nhựa cứng phế thải thành nguyên liệu cho máy in 3D.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN