Hỗ trợ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế

Nhằm hỗ trợ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì (theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh sách các đơn vị đủ năng lực để thực hiện tái chế.

Chú thích ảnh
Khánh Hòa tái chế rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng, ghế đá.  Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Giám đốc Văn phòng Hội đồng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất quốc gia Phan Tuấn Hùng cho biết, theo danh sách này, có 7 đơn vị đủ năng lực tái chế ắc quy, pin; 3 đơn vị đủ năng lực tái chế dầu nhớt; 4 đơn vị đủ năng lực tái chế sản phẩm điện, điện tử; 21 đơn vị tái chế bao bì. Một số đơn vị có đủ năng lực tái chế cho nhiều loại sản phẩm.

Bên cạnh đó, hai tổ chức được ủy quyền tổ chức tái chế là Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy (VAMM) tại tỉnh Vĩnh Phúc với sản phẩm được tái chế là ắc quy, pin, săm lốp, dầu nhớt và phương tiện giao thông; Công ty Cổ phần Tái chế bao bì - PRO Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh tái chế bao bì.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, việc công bố danh sách các đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì nhằm cung cấp, hỗ trợ thông tin cho nhà sản xuất, nhập khẩu biết, tham khảo trong việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì có hiệu lực từ đầu năm 2024. Các đơn vị được Văn phòng Hội đồng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất quốc gia công bố dựa trên cơ sở đơn đề nghị, hồ sơ cung cấp của các đơn vị và ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan.

Ông Phan Tuấn Hùng lưu ý, nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế với các đơn vị tái chế trong hoặc ngoài danh sách được công bố nhưng phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 79 Nghị định 08/2022/NĐ-CP (đơn vị tái chế được nhà sản xuất, nhập khẩu thuê để thực hiện tái chế phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật) tại thời điểm ký kết hợp đồng tái chế. Các đơn vị tái chế khác bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường có nhu cầu được công bố gửi thông tin theo Thông báo số 185/TBBTNMT ngày 7/4/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hỗ trợ. Khi lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế sản phẩm, bao bì, nhà sản xuất, nhập khẩu phải xem xét, đánh giá năng lực, công nghệ, công suất và việc đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường của đơn vị tái chế tại thời điểm ký kết hợp đồng; không ký kết hợp đồng tái chế với các đơn vị không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì; chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, xuất khẩu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải là của doanh nghiệp đã được quy định và là chính sách không mới so với thế giới, đã được sự thống nhất cao để đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Phó Thủ tướng cho rằng, về nguyên tắc cần khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện trách nhiệm tái chế theo quy định của luật hoặc ký hợp đồng với các doanh nghiệp tái chế đủ điều kiện.

Về quy định chi phí quản lý hành chính, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Hội đồng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất quốc gia nghiên cứu, quyết định mô hình, nhân sự, kinh phí hoạt động phù hợp theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ban hành Quyết định là cần thiết, nhằm thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Kể từ khi Luật có hiệu lực đến nay, hầu hết doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về tái chế. Các doanh nghiệp thường lựa chọn đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của nhà nước thay vì tự thực hiện hoặc ký hợp đồng với doanh nghiệp tái chế.

Hoàng Vân (TTXVN)
Lợi ích kép từ tái chế phao xốp sau chuyển đổi ở Quảng Ninh​
Lợi ích kép từ tái chế phao xốp sau chuyển đổi ở Quảng Ninh​

Thực hiện chủ trương thay thế vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn, tỉnh Quảng Ninh có trên 6,85 triệu quả phao xốp cần chuyển đổi sang phao nhựa HDPE hợp quy. Do đó, địa phương phải có phương án xử lý phao xốp để không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN