Tham vấn đề xuất định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì 

Ngày 15/12, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế, Báo Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) và Công ty Coca – Cola Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn vấn đề xuất định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs).

Chú thích ảnh
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) phát biểu tại hội thảo.

Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì sẽ có trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc theo lộ trình của Chính phủ quy định. 

Theo đó, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì sẽ được nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm gồm pin ắc quy, săm lốp, dầu nhớt và bao bì (bao bì thương phẩm của thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú, chất tẩy rửa, xi măng thương phẩm) thực hiện từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện, điện tử sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm phương tiện giao thông sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức tái chế, đó là tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu chọn đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì thì số tiền đóng góp theo từng loại sản phẩm, bao bì theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ soạn thảo để khảo sát và xây dựng định mức chi phí tái chế đối với các loại sản phẩm, bao bì (Fs). Theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2023 để kịp thời triển khai từ ngày 1/1/2024.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia sẽ có Fs khác nhau do chi phí lao động, công nghệ, thu gom… khác nhau. Fs cần phải được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý bao gồm phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải. Tuy nhiên, việc đề xuất Fs cho các loại sản phẩm, bao bì phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và cần có sự đồng thuận bởi các bên có liên quan.

Đại diện nhóm chuyên gia tư vấn, PGS.TS. Nguyễn Đức Quảng đề xuất Fs gồm 2 loại định mức là định mức chi phí tái chế cơ bản và định mức chi phí tái chế nâng cao. Định mức chi phí tái chế cơ bản là chi phí áp dụng chung cho tất cả sản phẩm, bảo bì. Định mức tái chế nâng cao là chi phí áp dụng riêng cho các sản phẩm, bao bì khó tái chế hơn (xác định theo hệ số). Fs thấp thì sẽ không tạo động lực để nhà sản xuất thay đổi thiết kế sản phẩm, bao bì theo hướng thân thiện môi trường, thiết kế vì tái chế.

Ts. Ko Jae Young, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc chia sẻ việc đề xuất Fs nên được thực hiện bởi các tổ chức tư vấn độc lập trên cơ sở khảo sát chi phí tái chế thực tế tại Việt Nam. Ts. Ko Jae Young đề xuất khi xác định Fs cần có sự phân biệt giữa sản phẩm, bao bì dễ tái chế với sản phẩm, bao bì khó tái chế.

Đại diện Bộ TN&MT cho biết đây là hội thảo khởi động cho quá trình xây dựng, tham vấn đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế đối với các loại sản phẩm, bao bì (Fs). Theo đó, Bộ TN&MT sẽ tích cực phối hợp với các chuyên gia, khảo sát thực tế các đơn vị tái chế để đưa ra đề xuất Fs cho từng loại sản phẩm, bao bì vào đầu năm 2023. 

Thu Trang/Báo Tin tức
Masan tham vọng đưa Việt Nam thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế Vonfram
Masan tham vọng đưa Việt Nam thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế Vonfram

Tối ngày 13/11, tại Hà Nội, Hội nghị bàn tròn Doanh nghiệp Việt Nam – Đức đã diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN