Hiện nay, tình trạng các hộ nông dân treo ao vẫn diễn ra tại khu vực Đồng Tháp và An Giang, diện tích các hộ đang theo nuôi ở Bến Tre, Vĩnh Long bị thiệt hại chiếm con số không nhỏ. Với khu vực ĐBSCL, tôm thiệt hại chiếm 52.000 ha, cá tra chiếm 137 ha. Số tôm, cá bị thiệt hại đã đặt ra cho các nhà khoa học, chi cục thủy sản các tỉnh lẫn người nuôi vấn đề cần giải quyết là làm sao giảm dịch bệnh trên vật nuôi, cũng như chăm sóc đúng kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Biết cũng nuôi, không biết cũng nuôi
Quá trình thoái hóa giống của tôm và cá tra xảy ra nhiều năm nay. Trước hết, vì biện pháp quản lý giống chưa tuân thủ theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, chưa có cơ sở khoa học, mặt khác cơ sở sản xuất giống thường tự phát, không theo quy hoạch, trình độ nuôi không tương ứng với quy mô sản xuất. Chính vì vậy, các hộ nuôi không hiểu cặn kẽ, không theo quy chuẩn kỹ thuật nuôi, dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc.
Những giàn quạt tạo ôxy đáy cho tôm nằm rải rác khắp mặt vuông nuôi tôm bị bỏ trống ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng), nơi từng là “phố tôm” nhiều vụ trước. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN |
Ông Bùi Thế Đức, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Hưng Đức, ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre - công ty chuyên cung cấp tôm giống cho các hộ nuôi cho biết: Gần đây, bệnh ở tôm phát triển rất mạnh như bệnh còi, đốm trắng, đầu vàng, bào tử trùng, hoại tử gan,... Nhưng các hộ nuôi không biết rằng họ đang đầu tư chưa đúng kỹ thuật, dẫn đến gây hại cho con tôm. Thông thường, nông dân chọn tôm giống tại trại Hưng Đức, đưa đi kiểm tra bệnh tại Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản 2 (RIA2) hoặc Phân viện Thủy sản Minh Hải - Cà Mau, con tôm sạch bệnh, họ mới bắt về nuôi. Điều đáng tiếc ở chỗ, người biết về đặc tính sinh học của con tôm, có thể nuôi thành công, nhưng người không hiểu gì về con tôm cũng nuôi “theo người ta”, thấy người khác đào ao, họ cũng đào ao mà không biết đến chiều sâu của ao ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nó. Theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chiều sâu ao tôm phải đạt 2 m, tôm mới có môi trường sống an toàn, khó bị biến động nhiệt của môi trường tác động, họ chỉ đào ao sâu từ 0,9 - 1 m, khi nhiệt độ thay đổi, môi trường nước nóng hơn mà không có một khoảng trống mát mẻ bên dưới cho tôm cư trú, quá trình trao đổi chất của tôm bị rối loạn, các loại vi khuẩn, mầm bệnh bắt đầu phát triển, gây hại cho tôm, hầu như những ao này, tỉ lệ tôm chết chiếm 99%. Vừa qua, ông Đức tiến hành kiểm tra nhiệt độ ao nuôi của các hộ mua giống từ cơ sở ông. Theo kết quả, hầu như nhiệt độ của đa số ao nuôi hơn 26oC, còn cao hơn cả nhiệt độ môi trường bên ngoài, làm cho tôm bị rối loạn trao đổi chất mà người nuôi không hề nhận ra.
Với nông dân nuôi cá tra cũng không ngoại lệ. Ông Mai Bá Đẳng, Trưởng trại cá giống của tỉnh Vĩnh Long (con giống do Trung tâm Giống thủy sản quốc gia cung cấp) cho biết, hiện nay các hộ nuôi cá tra thường mua cá giống trôi nổi ở Hồng Ngự (Đồng Tháp), An Giang. Ở hai tỉnh này, có rất nhiều cơ sở nuôi cá giống bán cho nông dân với giá rẻ hơn 30% so với giá cá giống của các trại sản xuất giống thuộc tỉnh. Tuy nhiên, nông dân cũng chỉ chấp nhận sản xuất theo kiểu “tiền nào của nấy”. Trại cá giống của tỉnh bán ra 2.500 đồng/con, còn cá giống trôi nổi ngoài thị trường chỉ từ 1.000 – 1.500 đồng/con. Nhưng nếu so sánh tỉ lệ hao hụt, cá trôi nổi hao hụt hơn 50% số lượng thả nuôi, còn chất lượng con giống từ trại sản xuất giống của tỉnh chỉ hao hụt 20%. Tính ra, nông dân đầu tư thấp, đồng thời hiệu quả sản xuất cũng tỉ lệ thuận với số tiền đã đầu tư.
Mặt khác, việc phân đàn và phối giống cũng quyết định đến chất lượng con cá, con tôm thương phẩm. Các hộ nuôi, trước mắt vì vốn đầu tư và diện tích thả nuôi của riêng mỗi hộ không lớn. Vì vậy, hiện tượng thả cá bố mẹ chung đàn diễn ra thường xuyên, không được quản lý. Do đó, dẫn đến con cá thương phẩm yếu đi vì cận huyết, các gen lặn biểu hiện xấu gặp nhau bộc lộ ra ngoài, sức đề kháng không cao nên dễ bị ảnh hưởng trước môi trường sống.
Con giống quyết định 50% hiệu quả
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, tính đến nửa tháng 6/2011, diện tích tôm và cá tra thả nuôi khu vực ĐBSCL đạt 857.000 ha (tôm chiếm 557.000 ha), diện tích thu hoạch 126.550 ha, sản lượng thu hoạch đạt 538.500 tấn (tôm chiếm 78.500 tấn, cá tra chiếm 460.000 tấn). |
Theo bà Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, chất lượng cá, tôm thương phẩm phụ thuộc vào 3 yếu tố: Chất lượng con giống, môi trường sống và mầm bệnh. Trong đó, chất lượng con giống và phối giống giữ vai trò quan trọng nhất. Môi trường cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến chất lượng giống, vì các bệnh của cá, tôm phát sinh do môi trường, mầm bệnh và sức khỏe của vật nuôi. Nếu cá bố mẹ tốt, đề kháng cao, dù môi trường xấu và có mầm bệnh, thì đàn cá con vẫn không phát sinh bệnh được. Chất lượng giống quyết định 50% hiệu quả sản xuất. Hiện nay, quy mô sản xuất cá tra của tỉnh Vĩnh Long chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu nuôi thương phẩm của tỉnh, số còn lại phải nhập từ tỉnh khác. Do đó, Chi cục Thủy sản vẫn chưa quản lý được những đàn cá giống mua từ tỉnh khác.
Theo tiêu chuẩn ngành quy định, tuổi khai thác con cá tra bố mẹ từ 3 - 8 tuổi. Nhưng trong quá trình nuôi, các hộ sử dụng cá bố mẹ quá tuổi khai thác hoặc chưa đến tuổi khai thác cho sinh sản, một số người cho cá sinh sản khi mới 2 tuổi, độ tuổi chưa đủ chất và chưa đủ sức, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá con. Khi muốn cho cá sinh sản ở độ tuổi này, người nuôi phải dùng thuốc kích dục với yếu tố kích thích sinh sản quá liều, làm cho con cá bột yếu đi, dẫn đến hệ lụy con cá thương phẩm có sức đề kháng yếu, dễ mẫn cảm với môi trường, nhiễm dịch bệnh, tỉ lệ hao hụt cao, hiệu quả nuôi thấp. Để duy trì chất lượng con giống, các hộ nuôi không được cho cá bố mẹ cùng một đàn sinh sản, và cũng không nên lấy cá thương phẩm làm cá bố mẹ, tiếp tục cho sinh sản. Mặt khác, đàn cá bố mẹ của trại giống tỉnh phải được chọn lọc, nuôi theo tiêu chuẩn của ngành, quan trọng nhất là độ đạm trong thức ăn của cá. Lúc cá sinh sản phải cho ăn từ 40 - 50% chất đạm cá mới tốt.
Bộ NN&PTNT đã có dự án thay thế đàn cá tra bố mẹ bằng đàn cá hậu bị chất lượng cao được chọn lọc. Theo dự án này, 100.000 con cá hậu bị được phát tán ở 5 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp và An Giang để nuôi thành cá bố mẹ. Từ nay đến năm 2015, sẽ thay thế 70% đàn cá bố mẹ, đến năm 2020, sẽ thay thế 100% đàn cá bố mẹ ở 5 tỉnh trên. Về phía địa phương, tăng cường quản lý giống bằng cách kiểm tra đăng ký sản xuất và kinh doanh tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Trong đó, quy định con cá tham gia sinh sản phải có nguồn gốc rõ ràng. Sinh sản tới 8 tuổi thì phải thanh lý con bố mẹ.
Hồng Nhung