Cổ phần hóa những “ca khó” ngành giao thông

Những “ca khó” trong kế hoạch cổ phần hóa (CPH) của ngành Giao thông vận tải (GTVT) trong thời gian qua sẽ tiếp tục nằm trong “tầm ngắm” buộc phải hoàn tất trong năm 2016. Để đạt mục tiêu này, Bộ đã tập trung phân tích nguyên nhân, từ đó đưa ra phương án phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Khó do chưa tự chủ, âm vốn

Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) Vũ Anh Minh cho biết: Hết năm 2016, Bộ GTVT sẽ CPH dứt điểm 24 doanh nghiệp, bao gồm 14 đơn vị đã triển khai từ năm 2015 nhưng chưa hoàn thành và 10 doanh nghiệp mới. Trong danh sách này có những cái tên “đình đám” của Nhà nước khó CPH. Tuy nhiên, theo ví von của ông Minh, các doanh nghiệp này càng rút ra khỏi “bầu sữa mẹ” sớm bao nhiêu, thì càng tích lũy được kinh nghiệm, nguồn lực và thích ứng được với thị trường sớm bấy nhiêu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Về cơ bản, Bộ GTVT sẽ chỉ có 4 tổng công ty không CPH là 4 đơn vị công ích gồm: Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, miền Nam, Quản lý bay, Đường sắt và 2 công ty con là Nhà xuất bản GTVT và Công ty Điện tử hàng hải. Sẽ có 2 công ty Bộ GTVT nắm giữ chi phối là Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Còn lại tất cả sẽ được từng bước thoái toàn bộ vốn Nhà nước.

Cụ thể, các doanh nghiệp chưa hoàn thành CPH trong năm 2015 sẽ tiếp tục được thực hiện là: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); 7 công ty con của Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC), Công ty mẹ. Tiếp đến là Tổng công ty Cửu Long, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cùng một công ty con là VEC O&M và Bệnh viện Nam Thăng Long. Các doanh nghiệp thực hiện CPH mới trong năm 2016 sẽ có hai trường học là Trường Trung cấp nghề Thăng Long và Học viện Hàng không. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ CPH thêm Bệnh viện GTVT Vinh và Bệnh viện GTVT Đà Nẵng. Bộ cũng sẽ thực hiện CPH một trung tâm đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam và 5 trung tâm kỹ thuật của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Qua tìm hiểu, các ca khó CPH trong năm nay đều thuộc diện khó xử lý vốn, khó tự chủ năng lực hoạt động. Chẳng hạn như Vinalines, việc tìm được nhà đầu tư chiến lược, mạnh tiềm lực để quản lý, thúc đẩy phát triển là vấn đề khó nhất của ngành GTVT. Đối với SBIC đó là vấn đề làm sao để DN này thoát khỏi tình trạng âm vốn để có thể CPH nhanh chóng. Hai trường Trung cấp nghề Thăng Long và Học viện Hàng không là những trường học đầu tiên trong cả nước được Bộ GTVT đưa vào danh sách CPH. Tuy nhiên, đây là hai đơn vị chưa tự chủ được, nên cũng cần phải lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có năng lực thực sự để có thể tập trung nguồn lực phát triển.

Phải hoàn thành CPH

Theo ông Minh, đối với Vinalines và SBIC sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH tới đây, để đảm bảo hoạt động hiệu quả sau CPH, Bộ GTVT sẽ ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có nguồn lực, xây dựng hệ thống quản trị, mở rộng thị trường và thay đổi công nghệ của hai tổng lớn này. Đối với các bệnh viện, trường học, các trung tâm... do đang còn hoạt động theo mô hình sự nghiệp công lập và có sự hỗ trợ của Nhà nước; sau CPH, Bộ GTVT sẽ cắt nguồn lực đầu tư, để các đơn vị chủ động phương án sắp xếp nhân sự, xây dựng lộ trình thích hợp để phát huy tiềm năng, thu hút đầu tư xã hội hóa thúc đẩy phát triển.

“Lấy ví dụ, trước đây, Nhà nước hỗ trợ khoảng 25 tỷ/bệnh viện/trường học, sau khi CPH, nguồn lực này sẽ để hỗ trợ các đối tượng chính sách, người nghèo. Điều này tạo điều kiện cho các đơn vị CPH tự chủ tài chính, sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, đảm bảo doanh thu người lao động”, ông Minh cho hay.

Về vấn đề này, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ đã CPH 137 doanh nghiệp, trong đó có 12 tổng công ty, thu nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hơn 1.700 tỷ đồng. Các doanh nghiệp sau CPH đến nay đều trở thành những doanh nghiệp mạnh, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng giao thông đã trở thành lực lượng nòng cốt giúp ngành GTVT đột phá hoàn thành vượt tiến độ những công trình trọng điểm, góp phần quan trọng để xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước. 

“Đặc biệt, sau CPH, các doanh nghiệp đều tổ chức lại sản xuất, bố trí lao động hợp lý, tăng năng suất lao động, nên thu nhập bình quân của người lao động đã có sự cải thiện rất đáng ghi nhận, tạo điều kiện cho người lao động phát huy năng lực, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là những kết quả khả quan để Bộ GTVT hoàn thành CPH các doanh nghiệp trong năm 2016”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhận định.
Tiến Hiếu
Thông báo đăng ký mua cổ phần khối lượng lớn qua đấu giá

Kính gửi: Ban Tổ chức đấu giá cổ phần của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại Công ty CP Viễn thông - Tín hiệu Đường sắt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN