Đây là thông tin được ông Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng Thành viên PVN cho biết tại hội nghị tổng kết công tác cổ phần hóa PV Power, PVOIL và BSR tối 17/8, tại Hà Nội.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cổ phần hoá các đơn vị thành viên của PVN, Ban chỉ đạo cổ phần hóa PVN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để tổ chức Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí.
Theo ông Sơn, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện thành công, thu về thặng dư khoảng 7.450 tỷ đồng cho Nhà nước.
Cụ thể, Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã bán đấu giá thành công 241.427.969 cổ phần (tương đương 7,79% vốn điều lệ), thu về số tiền hơn 5.414 tỷ đồng với giá đấu thành công bình quân là 23.043 đồng/cổ phần; Thặng dư khoảng 3.150 tỷ đồng.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã bán đấu giá thành công 467.802.523 cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ ), thu về số tiền hơn 6.987 tỷ đồng với giá đấu thành công bình quân 14.938 đồng/cổ phần; Thặng dư khoảng 2.300 tỷ đồng.
Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đã bán đấu giá thành công 200.445.036 cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ) thu về số tiền hơn 4.039 tỷ đồng với giá đấu thành công bình quân 20.155 đồng/cổ phần; Thặng dư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh khẳng định, việc cổ phần hoá này cũng là cơ hội giúp tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng hoạt động và tổ chức gọn nhẹ hiệu quả hơn nhất là trong bối cảnh thị trường dầu khí ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Theo lộ trình tái cơ cấu toàn diện PVN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, PVN sẽ triển khai công tác cổ phần hoá để thoái vốn theo tỷ lệ quy định nắm giữ vốn Nhà nước tại các công ty thành viên, nâng cao chất lượng quản trị điều hành doanh nghiệp.
PVN tiếp tục duy trì liên kết hữu cơ ở 3 lĩnh vực chính là thăm dò khai thác, khí, chế biến dầu khí; có cơ cấu tài chính vững chắc, tối ưu hoá phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường, có bộ máy tinh gọn, hiệu quả.