Bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm trong vụ án nghe Tòa tuyên án trong phiên xét xử chiều 29/3. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Về nội dung này, các luật sư bào chữa cho các bị cáo tại Phiên tòa cho rằng, số tiền 800 tỷ đồng góp vốn không bị mất do sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank giá 0 đồng, vốn điều lệ của Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương (OceanBank mới) vẫn giữ nguyên 4.000 tỷ đồng, chỉ là sự chuyển giao vốn Nhà nước từ PVN sang OceanBank (mới). Việc PVN mất vốn 800 tỷ đồng là do Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông OceanBank với giá 0 đồng và cũng do Chính phủ yêu cầu PVN dừng thoái vốn.
Hội đồng xét xử nhận thấy, việc Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông OceanBank là quan hệ mua bắt buộc giữa Ngân hàng Nhà nước với các cổ đông của OceanBank, không phải là quan hệ chuyển giao vốn của Nhà nước từ cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước như PVN sang OceanBank (mới).
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng, vốn điều lệ là vốn cổ đông đã thực góp, được ghi nhận tại Điều lệ và Đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (ngân hàng). Trong quá trình hoạt động, ngân hàng có thể có lãi, có thể bị lỗ. Khi có lãi sẽ làm tăng giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ. Khi bị lỗ sẽ làm giảm giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ. Nhưng trong mọi trường hợp, theo quy định của pháp luật, vốn điều lệ vẫn được ghi nhận tại Điều lệ và Đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng giá trị các cổ đông đã góp trước đây. Trong trường hợp này, mặc dù vốn điều lệ của OceanBank (mới) ghi 4.000 tỷ đồng nhưng giá trị thực của vốn điều lệ là số âm rất lớn.
Theo kiến nghị tại Bản án hình sự sơ thẩm số 330/2017/HSST ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc mua bắt buộc cổ phần của tổ chức tín dụng với giá 0 đồng: Kiến nghị Chính phủ xem xét, đánh giá lại cơ chế, chính sách mua cổ phần của các tổ chức tín dụng với số tiền 0 đồng đã thực hiện với một số tổ chức tín dụng, trong đó có OceanBank cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Điều đó không có nghĩa là trùng với quan điểm của luật sư cho rằng tài sản của OceanBank vẫn còn và việc mua 0 đồng là sai. Ở đây, việc kiến nghị này là căn cứ khoản 12 Điều 4 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; khoản 2 Điều 149 của Luật Các tổ chức tín dụng khẳng định khi ngân hàng có xu hướng lỗ, mất khả năng thanh khoản, không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn, Nhà nước phải mua bắt buộc.
Năm 2014, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra, giám sát toàn bộ tài sản và nguồn vốn của OceanBank, trong đó có phần vốn góp của PVN và đã kết luận thực trạng hoạt động tín dụng và thực trạng tài chính của OceanBank đến thời điểm 31/3/2014, các khoản nợ xấu của OceanBank là gần 15.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ toàn hệ thống, lợi nhuận trước thuế lỗ trên 10.000 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu, tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần, nợ xấu và thất thoát vốn, thua lỗ lũy kế hàng năm, mất khả năng thanh khoản.
Bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên án 18 năm tù, nộp 600 tỷ đồng. Ảnh: TTXVN |
Ngày 7/5/2014, PVN đã có Công văn số 2957/DKVN-TCKT xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thoái vốn tại OceanBank. Ngày 12/6/2014, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4327/VPCP-ĐMDN đồng ý cho PVN thoái vốn; nhưng đến ngày 25/6/2014, Văn phòng Chính phủ lại có Công văn số 1116/VPCP-ĐMDN yêu cầu PVN dừng việc thoái vốn. Giả sử Chính phủ cho PVN thoái vốn, OceanBank cũng không có khả năng thanh toán khi đến thời điểm 31/3/2012 OceanBank đã thua lỗ lũy kế hàng năm, mất khả năng thanh khoản và đến thời điểm 31/3/2014 đã âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần. Nếu có cho thoái vốn cũng chỉ là chuyển thiệt hại từ PVN sang doanh nghiệp khác mà thôi. Vì vậy, Hội đồng xét xử không có chấp nhận luận cứ nêu trên của các luật sư.
Tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên PVN) cho rằng ngày 14/3/2011, Hội đồng Thành viên PVN ban hành Nghị quyết số 621/NQ-DKVN thông qua nội dung Biên bản số 601 ngày 11/3/2011 về công tác đổi mới và tái cấu trúc Tổng Công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC - công ty con của PVN) năm 2011, trong đó giao Tổng Giám đốc Tập đoàn chỉ đạo thực hiện chuyển nhượng cổ phần của Tập đoàn tại OceanBank cho PVFC, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Như vậy, Hội đồng Thành viên PVN đã có chỉ đạo Tổng Giám đốc phải thực hiện việc thoái vốn tại OceanBank từ năm 2011.
Hội đồng xét xử nhận thấy, việc thoái vốn của PVN tại OceanBank phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép, phải có lộ trình và được thực hiện đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật. Nghị quyết số 621/NQ-DKVN ngày 14/3/2011 của Hội đồng Thành viên PVN về việc công tác đổi mới doanh nghiệp và tái cấu trúc PVFC không nằm trong lộ trình thoái vốn của PVN tại OceanBank. Do đó, không có cơ sở chấp nhận lời khai này của bị cáo Đinh La Thăng.
Ngoài ra, tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng và luật sư bào chữa còn nêu ra có hai doanh nghiệp (một doanh nghiệp nước ngoài và một doanh nghiệp trong nước) chào mua cổ phần của PVN tại OceanBank nhưng bị cáo Đinh La Thăng và luật sư không có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc này.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử cho rằng có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc thực hiện hành vi làm trái gây hậu quả mất vốn 800 tỷ đồng của PVN. Căn cứ quy định của pháp luật, việc truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị cáo Đinh La Thăng là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.