Phiên tòa xét xử vụ góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank: Bị cáo Đinh La Thăng là người đưa ra chủ trương cố ý làm trái

Sau hơn 10 ngày xét xử, chiều 29/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).

Bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm trong vụ án nghe Tòa tuyên án. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã nhận định bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên PVN) giữ vai trò chính trong vụ án, bị cáo là người đưa ra chủ trương trong việc cố ý làm trái để cho các bị cáo khác thực hiện hành vi vi phạm. Hành vi phạm tội của bị cáo Đinh La Thăng gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền 800 tỷ đồng cho PVN.

Làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát xác định bị cáo Đinh La Thăng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN đã ký Thỏa thuận số 6934 ngày 18/9/2008 về việc tham gia góp vốn vào OceanBank với Hà Văn Thắm (Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank) nhưng không thông qua Hội đồng quản trị PVN; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Bị cáo Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của OceanBank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng vẫn cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank. Đến thời điểm ngày 1/1/2011, Luật các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, với vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên, bị cáo Đinh La Thăng vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của PVN tại OceanBank là 20% vượt quá tỷ lệ cho phép (15%) : tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại OceanBank, để cho Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn 100 tỷ đồng (đợt 3) vào OceanBank trái quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng 2010. Hậu quả toàn bộ số 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông OceanBank. Hành vi cố ý làm trái nêu trên của bị cáo Đinh La Thăng đã vi phạm các quy định pháp luật và gây thiệt hại cho PVN tổng số tiền là 800 tỷ đồng.

Quá trình tranh luận, bị cáo Đinh La Thăng và các luật sư cho rằng bị cáo Thăng không có hành vi cố ý làm trái, việc đầu tư góp vốn của PVN vào OceanBank đúng quy định của pháp luật, đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được Chính phủ đồng ý.

Về nội dung này, Hội đồng xét xử xét thấy sau khi bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo Tổng giám đốc PVN đàm phán với Hà Văn Thắm về việc PVN góp vốn để trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank, ngày 17/9/2008, bị cáo Đinh La Thăng và Nguyễn Ngọc Sự (Phó Tổng Giám đốc PVN) đã làm việc với Hà Văn Thắm (đại diện OceanBank) tại trụ sở PVN. Căn cứ vào kết quả làm việc với đại diện OceanBank, ngày 18/9/2008, Nguyễn Ngọc Sự ký văn bản số 140B/CVNB-NNS gửi Đinh La Thăng báo cáo kết quả đàm phán với Hà Văn Thắm kèm theo báo cáo đánh giá sơ bộ các chi tiêu tài chính của OceanBank, trong đó có nêu “…nhìn tổng thể đến 31/3/2008, OceanBank là Ngân hàng có quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp;…trong bối cảnh kinh tế hiện tại, OceanBank đứng trước khó khăn trong vấn đề huy động vốn với lãi suất hợp lý để cân đối với nguồn sử dụng…”. Nhưng cùng ngày 18/9/2008, bị cáo Đinh La Thăng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN đã tự mình quyết định ký Thỏa thuận số 6934/TTHT giữa PVN và OceanBank về việc tham gia góp vốn vào OceanBank với Hà Văn Thắm là chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank. Trong đó, thống nhất PVN góp vốn vào OceanBank với tỷ lệ góp vốn tương đương 20% vốn điều lệ của OceanBank.

Theo Hội đồng xét xử, Thỏa thuận này có nội dung ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi giữa PVN và OceanBank. Thỏa thuận này là căn cứ duy nhất giữa PVN và OceanBank để trên cơ sở thỏa thuận này PVN ra Nghị quyết thực hiện việc góp vốn đầu tư vào OceanBank trong suốt quá trình góp vốn. Do đó, có căn cứ xác định Thỏa thuận số 6934/TTHT ngày 18/9/2008 giữa PVN và OceanBank về việc tham gia góp vốn vào OceanBank là căn cứ pháp lý cho việc thực hiện hoạt động góp vốn trong giai đoạn 2008 đến 2011 của PVN vào OceanBank. Nhưng bị cáo Đinh La Thăng đã ký kết Thỏa thuận số 6934/TTHT ngày 18/9/2008 về việc PVN tham gia góp vốn vào Oceanbank mà không thông qua Hội đồng quản trị PVN để thống nhất chủ trương góp vốn của PVN vào OceanBank, cũng như đánh giá của Hội đồng quản trị về năng lực hoạt động, khả năng tài chính của OceanBank là trái với Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN.

Như vậy, xuyên suốt từ thỏa thuận chủ trương đến thực hiện 3 lần góp vốn, bổ sung vốn góp giai đoạn 2008 – 2011 của PVN vào OceanBank, đến nay PVN đã mất tổng số vốn góp 800 tỷ đồng của PVN khi OceanBank kinh doanh thu lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Bị cáo Đinh La Thăng đã có hành vi làm trái với quy định của Điều lệ tổ chức, hoạt động của PVN, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các lần PVN góp vốn và tại Công văn 3780 ngày 6/6/2008, trái quy định tại khoản 3 Điều 27 Quy chế quản lý tài chính công ty mẹ ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ và trái quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Hành vi này của bị cáo Đinh La Thăng thực hiện là hành vi cố ý làm trái.

Mối quan hệ nhân quả trong hành vi góp vốn và thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN


Khi luận tội các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa xác định: Hành vi phạm tội của bị cáo Đinh La Thăng gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền 800 tỷ đồng cho PVN.

Về luận điểm này của Viện Kiểm sát, các luật sư bào chữa cho rằng không có hậu quả thiệt hại vì hoạt động góp vốn có hiệu quả, hàng năm vẫn được chia cổ tức; hành vi của bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả xảy ra.

Phân tích nội dung này, Hội đồng xét xử nhận thấy, theo Kết luận thanh tra OceanBank số 427 ngày 27/12/2012 của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (dựa trên số liệu tài chính trong các năm 2009, 2010, 2011 và chốt số liệu đến tháng 3/2012) thì kết quả kinh doanh số liệu thanh tra lỗ lũy kế hơn 922 tỷ đồng.

Tại Kết luận thanh tra OceanBank số 340 ngày 29/9/2014 của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội, số liệu thanh tra đến ngày 31/3/2014 chỉ ra: Phần lớn các tồn tại, sai phạm trong kết quả thanh tra này đã được chỉ ra tại Kết luận thanh tra số 427 trước đó. Tuy nhiên, OceanBank không những không chỉnh sửa, rút kinh nghiệm, chấm dứt sai phạm mà ngày càng tái phạm với mức độ lớn hơn.

Theo số liệu thanh tra cho thấy trong các năm từ 2009 đến 2013, OceanBank kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế và dẫn tới âm vốn chủ sở hữu. Số liệu trước và sau thanh tra là một khoảng cách biệt rất lớn từ việc có lợi nhuận đến âm vốn chủ sở hữu cho thấy, báo cáo tài chính hàng năm tại OceanBank là không chính xác, phản ánh không đầy đủ hoạt động tài chính, không phản ánh sai phạm trong cấp tín dụng, cũng như huy động vốn tại OceanBank, đặc biệt là chủ trương chi lãi ngoài của Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm đã gây thiệt hại cho khách hàng hơn 69 tỷ đồng, cho các cổ đông của OceanBank hơn 1.576 tỷ đồng, trong đó PVN là 49 tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận cũng như cổ tức có được theo báo cáo tài chính là ảo, không đúng với bản chất hoạt động của OceanBank.

Với các tài liệu chứng cứ nêu trên, qua kết quả điều tra tại các phiên tòa, Hội đồng xét xử cho rằng có đủ căn cứ kết luận: Bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN) đã có hành vi ký Thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank nhưng không thông qua Hội đồng quản trị PVN; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Bị cáo Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của OceanBank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng vẫn cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank. Sau khi thực hiện việc góp vốn, bị cáo không chỉ đạo cho người đại diện phần vốn có cơ chế kiểm tra, giám sát riêng cho người đại diện phần vốn đối với OceanBank để đánh giá thực trạng hoạt động tài chính tại OceanBank, mà chỉ căn cứ vào báo cáo tài chính hàng năm của OceanBank (trong thời gian Nguyễn Xuân Sơn là Tổng Giám đốc OceanBank) là trái quy định tại Điều 38; Khoản 5, Điều 37 Quy chế quản lý tài chính công ty mẹ - PVN, ban hành theo Nghị định số 142 ngày 5/9/2010 của Chính phủ. Do vậy, PVN đã không phát hiện những sai phạm trong hoạt động tín dụng của OceanBank từ sau khi PVN ký Thỏa thuận số 6934 góp vốn vào OceanBank. Trong thời gian Nguyễn Xuân Sơn giữ chức vụ Tổng Giám đốc OceanBank thì tại OceanBank đã xuất hiện một loạt các sai phạm trong hoạt động cấp tín dụng và huy động vốn từ chủ trương “Chi lãi ngoài” của Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm đã gây thiệt hại cho khách hàng hơn 69 tỷ đồng, gây thiệt hại cho các cổ đông OceanBank hơn 1.576 tỷ đồng, trong đó của PVN hơn 49 tỷ đồng trong vụ án Hà Văn Thắm đã xét xử giai đoạn I. Một loạt các sai phạm trong hoạt động tín dụng trên đã dẫn đến hiệu quả mất vốn chủ sở hữu, âm vốn chủ sở hữu và hậu quả Ngân hàng Nhà nước đã phải mua bắt buộc toàn bộ vốn góp của các cổ đông OceanBank, trong đó có PVN.

Vì vậy, Hội đồng xét xử cho rằng có đủ cơ sở xác định hành vi cố ý làm trái trong việc góp vốn của PVN vào OceanBank do bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo trong vụ án thực hiện với hậu quả xảy ra có mối quan hệ nhân quả.

Kim Anh - Nguyễn Cúc
Vụ góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank: Các bị cáo xin được hưởng khoan hồng
Vụ góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank: Các bị cáo xin được hưởng khoan hồng

Chiều 24/3, phiên tòa xét xử vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) được tiếp tục với phần tranh luận. Sau khi lắng nghe các ý kiến đối đáp của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa tiếp tục đưa ra nhiều luận điểm nhằm bảo vệ quan điểm buộc tội của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN