Tại Hội nghị triển khai công tác dịch vụ năm 2018 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cuối tuần qua, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn nhìn nhận, mặc dù giá dầu thô đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng hoạt động cung cấp các dịch vụ dầu khí của PVN tiếp tục đối mặt với sức ép cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nước ngoài.
Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Thị trường cung cấp dịch vụ dầu khí tiếp tục có sự cạnh tranh gay gắt do nhiều nhà cung cấp dịch vụ dầu khí nước ngoài có tiềm lực vượt trội về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, kinh nghiệm, tài chính sẵn sàng chào giá cung cấp dịch vụ thấp hơn so với chi phí sản xuất vận hành thực tế để với có việc làm bằng mọi giá
Theo ông Sơn, với thị trường cung cấp dịch vụ mà cung lớn hơn cầu như hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ của PVN phải đối mặt với sức ép giảm giá từ các khách hàng thuê sử dụng dịch vụ và tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ vững thị phần, cũng như phát triển tìm kiếm các hợp đồng mới trong và ngoài nước.
Trong khi đó, các đơn vị dịch vụ dầu khí của PVN còn có một số loại hình dịch vụ bị chồng chéo, khả năng cạnh tranh của các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa theo kịp biến động của thị trường, còn hệ thống định mức trong lĩnh vực dịch vụ còn thiếu, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đấu thầu, cũng như quản lý trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ.
Thêm vào đó, Luật Đấu thầu với nhiều quy định chưa phù hợp với đặc thù của ngành Dầu khí, nhiều thủ tục phức tạp. Ngoài ra, việc PVN chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục các dịch vụ được áp dụng hình thức đàm phán trực tiếp cũng tác động tiêu cực đến các đơn vị khi tham gia cung cấp và sử dụng dịch vụ.
Vì vậy, để có thể đối mặt với sức ép cạnh tranh này và giữ vững thị phần hoạt động, các đơn vị cung cấp dịch vụ dầu khí sẽ phải tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trong năm 2018.
Theo đó, PVN sẽ xây dựng quy hoạch cho việc phát triển các ngành dịch vụ để quy hoạch này trở thành định hướng cho tất cả các đơn vị dịch vụ xây dựng và phát triển kế hoạch đầu tư tiếp theo của các đơn vị.
Bên cạnh đó, các đơn vị dịch vụ dầu khí cần đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ trong nước trên cơ sở công khai minh bạch trong đấu thầu cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ dầu khí.
Các đơn vị dịch vụ cũng cần thúc đẩy kinh doanh các sản phẩm dịch vụ trong nước, đồng thời tập trung mọi nguồn lực cho việc đấu thầu các gói thầu quốc tế bởi đây là cuộc cạnh tranh sống còn của ngành dịch vụ dầu khí, Chủ tịch PVN Tràn Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Là đơn vị dịch vụ dầu khí bị tác động rất lớn của sức ép cạnh tranh này, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) Phạm Tiến Dũng đề xuất cách làm mới trên cơ sở tập hợp các đơn vị dịch vụ thành nhóm để bù trừ các phần thiếu cho nhau từ tài chính, con người, thiết bị, kinh nghiệm. Từ đó, thực hiện thỏa thuận cùng chủ các dự án mỏ để khoan, phát triển mỏ với chi phí hợp lý sau đó sẽ nhận trả sau khi có dòng dầu đầu tiên.
Đây là phương án được một số nhà thầu dầu khí đang thử nghiệm tại một số nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan. Việc áp dụng giải pháp này sẽ vừa giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, vừa tận dụng được tài chính từ các đơn vị để phân phối cho hợp lý, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để ngành dịch vụ dầu khí Việt Nam có thể tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài thì việc xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ dầu khí, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao là giải pháp rất quan trọng cần sớm tính đến.
Đồng thời, việc xây dựng cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí cung cấp dịch vụ dầu khí ra nước ngoài, đặc biệt là cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các dự án của Tập đoàn ở nước ngoài cũng sẽ là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Hùng Dũng đề xuất.
Năm 2017, mặc dù thị trường dịch vụ dầu khí có sự cạnh tranh khốc liệt nhưng doanh thu từ mảng này của PVN vẫn đạt 167.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 34% trong tổng doanh thu của Tập đoàn và tăng 11,2% so với năm 2016.
Đặc biệt, doanh thu dịch vụ dầu khí từ nước ngoài của các đơn vị trong PVN đạt 29.400 tỷ đồng, tăng tới 17.500 tỷ đồng so với năm 2016. Trong đó có thể kể đến một số đơn vị có sự vượt trội về doanh thu dịch vụ từ nước ngoài như PTSC đạt 2.601 tỷ đồng, PVTrans đạt 1.170 tỷ đồng, PVOIL đạt 22.146 tỷ đồng.