Ngô và đậu nành biến đổi gien - hiện được sử dụng rộng rãi làm thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu sinh học hay dầu ăn - đã được giới thiệu vào năm 1996 và nhanh chóng chiếm ưu thế trong trồng trọt ở Mỹ cũng như Brazil và Argentina, những nhà cung cấp nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, lúa mỳ biến đổi gen chưa bao giờ được trồng cho mục đích thương mại do người tiêu dùng lo ngại các chất gây dị ứng hoặc độc tính có thể xuất hiện trong loại cây lương thực chủ yếu được sử dụng để làm bánh mỳ, mỳ ống và bánh ngọt trên toàn thế giới. Giờ đây, quan ngại ngày càng gia tăng về nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu do biến đổi khí hậu và xung đột ở Ukraine có thể làm thay đổi quan điểm này.
Công ty công nghệ sinh học Bioceres của Argentina đang phát triển giống lúa mỳ biến đổi gen để chống chịu hạn hán tốt hơn, nhằm xây dựng vị thế dẫn trước các công ty toàn cầu lớn hơn vẫn đang tránh lĩnh vực này. Trong khi đó, Brazil đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sau Argentina cho phép nông dân trồng lúa mỳ biến đổi gen, sau khi có đề xuất từ một đối tác của Bioceres.
Lúa mỳ được giao dịch trên thị trường toàn cầu nên nguy cơ gián đoạn thương mại do tâm lý phản đối thực phẩm biến đổi gen có thể rất nghiêm trọng. Cách đây 20 năm, công ty hóa chất Monsanto của Mỹ đã nỗ lực thương mại hóa các giống lúa mỳ được lai tạo để chống chịu ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ Roundup, nhưng sau đó công ty đã chấm dứt chương trình này vào năm 2004. Các khách hàng quốc tế đã đe dọa tẩy chay lúa mỳ Mỹ nếu sản phẩm này được tung ra thị trường.
Giống lúa mỳ thử nghiệm của Monsanto được cho là đã bị tiêu hủy hoặc cất giữ an toàn. Tuy nhiên, người ta đã phát hiện một số cây lúa mỳ kháng thuốc Roundup đã xuất hiện nhiều năm sau đó ở một số tiểu bang của Mỹ và Canada trong các năm 2013-2014, 2016-2017 và 2019. Điều đó khiến một số nước, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, tạm dừng nhập khẩu lúa mỳ Bắc Mỹ cho đến khi họ có thể xác nhận rằng không có giống lúa mỳ nào không được phê duyệt có thể xâm nhập vào các kênh thương mại.
Thái độ của các nước đối với cây trồng biến đổi gen cũng khác nhau trên khắp thế giới. Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu đậu nành và ngô hàng đầu thế giới, cho phép sử dụng cây trồng biến đổi gen trong thức ăn chăn nuôi nhưng chỉ gần đây mới bắt đầu chấp nhận các giống cây biến đổi gen trong canh tác.
Đức, quê hương của những công ty lớn về hạt giống cây trồng như Bayer và BASF, cho phép nhập khẩu đậu tương biến đổi gen. Nhưng sự phản đối trong nước đối với cây trồng sử dụng công nghệ sinh học khiến các công ty Đức tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm giống cây trồng của họ ở nước ngoài.
Australia trồng và xuất khẩu bông và cải dầu biến đổi gen. Vào tháng 5/2022, nước này đã cho phép sử dụng lúa mỳ biến đổi gen của Bioceres trong thực phẩm.
Tại Mỹ, một số nhà sản xuất lúa mỳ đã bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng công nghệ sinh học để tăng lợi nhuận. Trong 25 năm kể từ khi ngô và đậu tương biến đổi gen được tung ra thị trường, tổng diện tích trồng các loại cây trồng biến đổi gen này tại Mỹ đã tăng lần lượt là 13% và 37%, trong khi diện tích trồng lúa mỳ của Mỹ giảm 37% - chạm mức thấp nhất trong hơn 100 năm vào năm 2020, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.