Cơ hội cho nhà đầu tư bắt đáy sau nhiều phiên giảm điểm mạnh

Sau nhiều ngày thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm, bốc hơi hơn 20 điểm mỗi phiên, nhiều nhà đầu tư đã “bỏng tay” khi trót đầu tư nhiều vào những cổ phiếu nóng. Tâm lý càng bi quan bao trùm khi dòng tiền đang có dấu hiệu “tháo chạy” khỏi thị trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, đây lại là thời cơ cho các nhà đầu tư bắt đáy.

Có thể thấy, thị trường tụt thẳng đứng bất ngờ cuối phiên chiều hôm qua (19/4) khiến nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng quá bán trước áp lực bán giải chấp. Sang phiên sáng ngày 20/4, tín hiệu này đã bắt đầu thay đổi khi dòng tiền khác yêu thích rủi ro đang được kích hoạt bắt đáy.

Chú thích ảnh
Phiên giao dịch sáng ngày 20/4 vẫn nhiều áp lực cho các nhà đầu tư khi chỉ số liên tục biến động. 

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, áp lực giải chấp hôm nay có thể vẫn còn, song vùng hỗ trợ 1.390-1.400 điểm được kỳ vọng sẽ giúp thị trường hồi phục trở lại khi nhà đầu tư tham gia bắt đáy. Tuy nhiên, để đảo chiều xu hướng giảm ngắn hạn hiện tại có lẽ cần dòng tiền mạnh hơn.

Thông tin đáng kể nhất trong bối cảnh này có lẽ là chiến lược kinh doanh các doanh nghiệp được tiết lộ tại các buổi họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 1 công bố cũng là yếu tố để nhà đầu tư “nắn” lại danh mục của mình vào nhóm doanh nghiệp cơ bản hơn.

Dù vậy, đà giảm nhanh và mạnh gần đây của thị trường vẫn khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, bất an khi sau nhiều năm “đầu tư đi xa, nay quay vào bờ”. Trên thực tế, thị trường chứng khoán đã bắt đầu biến động mạnh từ ngày 29/3, khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt và sau đó là câu chuyện trái phiếu tại Tân Hoàng Minh được hé lộ. Tâm lý nhà đầu tư cũng mong manh trước những thông tin tiêu cực.

Cụ thể, theo thống kê của VietstockFinance trên sàn HOSE và HNX, từ ngày 29/3 đến nay, có khoảng 208 mã cổ phiếu giảm ít nhất 20% và 83 mã giảm hơn 30%. Nằm trong nhóm giảm mạnh nhất là những mã gắn liền tới những thông tin tiêu cực gần đây hoặc những cổ phiếu đã tăng “nóng” trước đó, gồm những cổ phiếu xoay quanh “họ FLC” như ROS (-47%), FLC (-43%), ART (-43%) hay hệ sinh thái HUT (-38%), NVT (-46%), DNP (-26%). Nếu tính từ đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam có 105 cổ phiếu giảm hơn 30%. Trong đó, giảm mạnh nhất là ROS (-68%), ART (-66%), DVG (-62%) và FLC (-60%).

Phiên sáng 20/4, VN-Index đã giảm hơn 13 điểm, lùi về sát mốc 1.390 điểm. Hơn 310 triệu cổ phiếu được chuyển giao trên cả 3 sàn lúc 10 giờ 30 phút, tương ứng 8.220 tỷ đồng. Trong đó, sàn HOSE chỉ đạt giá xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, một con số khá thấp cho thấy dòng tiền thực sự chưa tham gia vào bắt đáy lúc này.

Tuy nhiên, đến gần 11 giờ, độ giảm đã có sự rút ngắn giúp chỉ số VN-Index vượt lên mốc 1.400 điểm. Góp phần giúp thị trường nâng điểm phải kể đến các cổ phiếu trong rổ VN30. Tuy nhiên, toàn sàn vẫn có gần 700 mã giảm giá, trong đó có hơn 60 mã giảm sàn; hơn 700 mã đứng giá và khoảng 200 mã tăng giá. Dòng tiền đã có sự nhập cuộc gần cuối phiên khi thanh khoản đã đạt gần 12 ngàn tỷ đồng. 

Theo đánh giá của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment, hầu hết nhóm cổ phiếu mang lại lợi nhuận nhất nay lại lấy đi phần lớn tài sản của nhà đầu tư. Nguyên nhân là do lãi suất tiền gửi ngân hàng trong thời gian gần đây có sự điều chỉnh tăng nhẹ khiến dòng tiền có sự chuyển dịch từ chứng khoán qua tiết kiệm. Mặt khác, những nhà đầu tư cá nhân vốn là bệ đỡ cho thị trường sau khi trải qua nhiều “cơn sóng lớn” cũng đã dần bán ròng. Chưa kể, những nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đã rút vốn dần từ năm ngoái.

“Tuy nhiên, việc thị trường điều chỉnh vừa qua là một quá trình của nhiều yếu tố và tác động từ những yếu tố mang tính dài hơi như lạm phát, tiền tệ thắt chặt trên thế giới, chứng khoán toàn cầu suy yếu chung với các kênh rủi ro... mới là nguyên nhân chính. Để níu giữ được dòng tiền ở lại, thị trường cần thiên thời, địa lợi, nhân hòa như chính sách hỗ trợ và lạm phát trong tầm kiểm soát, thị trường chứng khoán thế giới tích cực, FED và các ngân hàng Trung ương lớn sẽ không thắt chặt tiền tệ quá mạnh… Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần quay lại mua ròng sau 2 năm bán ròng miệt mài cũng là yếu tố hỗ trợ ít nhất về mặt tâm lý. Đặc biệt, dòng tiền cần định hướng quay lại sản xuất kinh doanh giúp nền kinh tế duy trì mức độ tăng trưởng ổn định để từ đó hút dòng tiền trở về”, ông Khánh nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, dòng tiền rút mạnh khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn mua tích luỹ cổ phiếu tốt. Có thể thấy, đà giảm điểm của thị trường tuần qua một phần đến từ nhóm cổ phiếu đầu cơ khi các cơ quan quản lý nhà nước đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đặc biệt đối với những giao dịch bất thường. Đà giảm giá mạnh của cổ phiếu đầu cơ đã kích hoạt làn sóng margin call tại các cổ phiếu này và để duy trì tỷ lệ an toàn tài sản đảm bảo, nhiều nhà đầu tư phải bán một số cổ phiếu khác trong danh mục. Do đó, đà bán ra không chỉ trong nhóm cổ phiếu đầu cơ mà còn lan ra một số nhóm cổ phiếu đại chúng, được nhiều nhà đầu tư nắm giữ như ngân hàng, thép, chứng khoán.

Theo ông Đinh Quang Hinh, nhìn về dài hạn, điều này sẽ giúp thanh lọc thị trường, đưa thị trường tài chính và bất động sản Việt Nam hoạt động minh bạch, hiệu quả, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô trong nước. Bên cạnh đó, việc Chính phủ có những động thái quyết liệt nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng là yếu tố tiên quyết giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường chứng khoán, giúp thị trường phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Do đó, nếu nền tảng vĩ mô vẫn được cải thiện tích cực trong những quý tới, lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022 thì không có lý do gì phải quá bi quan về triển vọng của thị trường trong năm nay. Nếu nhà đầu tư có tầm nhìn đầu tư dài hạn, việc điều chỉnh ngắn hạn lại là cơ hội để mua vào cổ phiếu tốt với giá hấp dẫn hơn và chờ đợi thời điểm những yếu tố cơ bản cải thiện được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Nhìn theo phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index hiện tại vẫn đang trong xu hướng đi ngang từ đầu năm, trong vùng 1.440-1.530 điểm. Trong ngắn hạn, thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu thế đó. Nhà đầu tư có thể chủ động gia tăng tỷ trọng khi thị trường về cận dưới của kênh xu hướng và giảm tỷ trọng khi thị trường ở nửa trên của kênh xu hướng. Lời khuyên quan trọng nhất cho nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại là ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, hạn chế sử dụng margin (tỷ lệ đòn bẩy), nếu margin cao thì nên chủ động hạ margin xuống mức an toàn để tránh lâm vào tình trạng "buộc phải bán ra-margin call" dẫn tới thiệt hại không đáng có.

Về nhóm ngành, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên nhóm cổ phiếu được hưởng lợi trong bối cảnh hiện tại như giá hàng hóa tăng cao (xuất khẩu thủy sản, dệt may, đồ gỗ), môi trường lãi suất tăng (bảo hiểm), bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và logistic. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng đang giảm về vùng định giá hấp dẫn hơn và có thể mua tích lũy dần.

Hải Yên/Báo Tin tức
Bộ Tài chính: Quy mô giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN
Bộ Tài chính: Quy mô giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN

Theo Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng đầu năm 2022 nhìn chung vẫn phát triển ổn định, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và cho doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN