Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam năm nay là khá lớn

“Hội thảo Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017” do Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) phối hợp với Trường Đại học Quản trị Paris (Cộng hòa Pháp) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 15/4.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2017 là khá lớn khi nền kinh tế thế giới có xu hướng tiếp tục phục hồi và sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Thực tế kinh tế Việt Nam những năm qua cũng cho thấy, chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài và gia tăng hoạt động thương mại của Chính phủ Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Năm 2017, Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cam kết hội nhập, mà điển hình là đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC và thực thi các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Tuy nhiên, làn sóng hội nhập kinh tế thế giới cũng tạo ra không ít thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, cuộc khủng hoảng nợ công ở một số nước Châu Âu, làn sóng di cư từ Trung Đông, Châu Phi, sự kiện Anh quyết định rút khỏi EU(Brexit) cũng như chính sách kinh tế mới của Mỹ đang tạo tiền đề cho sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc và chính sách bảo hộ mậu dịch thương mại.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến tự do thương mại toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia đang tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Chuyên gia Kinh tế, Đại học Quốc gia Singapore tham luận. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Chuyên gia Đại học Quốc gia Singapore, nhận định, điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 là khả năng duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu ổn định nhờ mở rộng thị trường từ quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực như du lịch, dịch vụ tiêu dùng có tiềm năng phát triển, đồng thời môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện với những nổ lực của Chính phủ kiến tạo.

Tuy nhiên, trong năm 2017, môi trường hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và các triển vọng tăng trưởng kinh tế nhanh còn khó dự đoán. Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để phát triển nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn phát sinh do những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, những chuyển đổi về chính sách kinh tế, những rủi ro kinh doanh trong tình hình mới.

Trong khi đó, một số đại biểu cho rằng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tuy tăng trưởng khá cao nhưng các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài như gia công, lắp ráp điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may và da giày. Trong khi đó, các nhóm mặt hàng thuần Việt như nông sản, thủy sản, khoáng sản lại giảm cả về số lượng và giá trị xuất khẩu, khu vực kinh tế nhà nước tiếp tục nhập siêu với giá trị này càng lớn.

Để tồn tại được trong môi trường hiện nay, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị vững chắc, người đứng đầu cần có một tầm nhìn quản lý sắc bén và động thái chiến lược nhanh nhạy mới có thể khai thác được những cơ hội kinh doanh mới đồng thời quản trị các rủi ro của thị trường.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam có số lượng doanh nghiệp lớn, tinh thần khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam cũng được đánh giá cao nhưng lại khả năng thực hiện thành công các dự án đầu tư, kinh doanh lại rất thấp. Do đó, các doanh nghiệp phải tính toán kỹ lưỡng trong việc lựa chọn lĩnh vực đầu tư, kinh doanh đồng thời xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp đủ khả năng thích ứng với những biến động đột ngột từ bên ngoài.

Về phía các nhà hoạch định chính sách, phải thực hiện song song thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp mới với việc nâng cấp các doanh nghiệp đang hoạt động nhằm đảm bảo sự phát triển về số lượng doanh nghiệp phản ánh đúng tình hình phát triển chung của cả nền kinh tế.


Theo Tiến sĩ Võ Chí Thành, chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp lớn mạnh không chỉ là doanh nghiệp có nhiều vốn, nhiều nhà máy, nhiều nhân công mà còn phải có công nghệ hiện đại, thương hiệu tạo được uy tín và khả năng chủ động phân phối sản phẩm ra thị trường.

Để làm được điều này, đòi hỏi người đứng đầu doanh nghiệp phải có tầm nhìn và chiến lược thực hiện tầm nhìn đó một cách hiệu quả. Trong đó, chú ý đến cách thức tiếp cận và sử dụng nguồn vốn; kịp thời nắm bắt những nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, đối tác và đáp ứng tốt nhất những nhu cầu đó.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải có năng lực quản trị các yếu tố bất định, lường trước những giải pháp đối phó với những biến động của ngoại cảnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho cũng rằng, các doanh nghiệp phải chú trọng đến những tác động về môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội để tạo được giá trị cốt lõi của mình trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Xuân Anh (TTXVN)
Kinh tế 2017 tăng trưởng sẽ thúc đẩy thị trường bảo hiểm mở rộng quy mô
Kinh tế 2017 tăng trưởng sẽ thúc đẩy thị trường bảo hiểm mở rộng quy mô

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, năm nay thị trường bảo hiểm còn nhiều cơ hội lớn vì còn nhiều tiềm năng mà các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa thể nắm bắt được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN