Hội nghị diễn ra từ ngày 10 - 12/10 nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp và xu hướng ứng dụng công nghệ trong quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại giữa cơ quan Hải quan với các đối tác.
Dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Kunio Mikuriya, Tổng Thư ký WCO, Hội nghị được tổ chức gồm 2 Phần: Hội nghị và Triển lãm. Trong đó, phần Hội nghị gồm 10 phiên toàn thể, 9 phiên chuyên đề và các cuộc nói chuyện công nghệ. Phần triển lãm sẽ có khoảng 50 gian triển lãm giới thiệu các công nghệ mới của các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực hải quan và thương mại.
Thông qua Hội nghị, các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đã có điều kiện nắm bắt xu hướng và thành tựu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan và tạo thuận lợi thương mại, từ đó xây dựng sự hiểu biết, chia sẻ, đồng hành cùng ngành Hải quan trong tiến trình chuyển đổi số và hiện đại hóa ngành Hải quan.
Tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là xây dựng và phát triển ngành hải quan hiện đại, đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Chiến lược phát triển hải quan Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ: Lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành hải quan để xây dựng hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về hải quan một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, phát triển quan hệ với các đối tác hải quan song phương và đa phương, thực hiện nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận, chương trình hợp tác và cam kết với các đối tác quốc tế; đẩy mạnh quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế để đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước.
Bên cạnh việc phát huy tối đa nội lực, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của WCO và cơ quan hải quan của các đối tác, thông qua các hình thức như: Hỗ trợ kỹ thuật; chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm; hỗ trợ chuyển đổi số; hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị; tối ưu hóa quy trình, thủ tục; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực…
Trước đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Thọ cho biết: Năm 2023 thông điệp mà WCO muốn gửi tới là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy và lấy con người là yếu tố trọng tâm. Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát tốt thương mại hợp pháp, việc WCO lựa chọn Việt Nam để tổ chức sự kiện thường niên này mang nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là cơ hội mà còn là sự kết nối giữa các chủ thể liên quan đến chuỗi cung ứng quốc tế, cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý biên giới, doanh nghiệp công nghệ...
Đây là lần đầu tiên Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức một sự kiện toàn cầu có quy mô lớn với sự tham dự của Lãnh đạo Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Tổng Thư ký WCO, 185 cơ quan Hải quan các nước thành viên tham gia; các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế; các học giả nước ngoài; các đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại biểu đến từ các đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước.
“Trong bối cảnh phát triển công nghệ như hiện nay, chủ đề của Hội nghị phù hợp với Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 mà Hải quan Việt Nam đang triển khai, với mục tiêu xây dựng Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh. Đây là cơ hội để Hải quan Việt Nam tiếp cận công nghệ mới nhất cũng như các thông lệ và bài học kinh nghiệm của hải quan các nước. Những kinh nghiệm, giải pháp công nghệ được cơ quan Hải quan các nước chia sẻ, giới thiệu tại Hội nghị cũng giúp cho Hải quan Việt Nam có được hướng đi phù hợp trong xu hướng phát triển công nghệ nhanh chóng như hiện nay”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO đã mở ra các cách tiếp cận khác nhau trong việc đặt yếu tố con người làm trọng tâm của tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan. Hội nghị lần này không chỉ giới thiệu công nghệ mà còn giới thiệu phương thức để ứng dụng công nghệ và đào tạo cán bộ Hải quan nhằm ứng dụng, triển khai công nghệ cho mục tiêu của cơ quan Hải quan trong tạo thuận lợi thương mại, thông quan hàng hóa nhanh chóng và kiểm soát tốt những tác động xấu đến nền kinh tế.
“Công nghệ không thể đóng vai trò quyết định thay thế con người, nhưng công nghệ tiên tiến thực sự đem lại nhiều lợi ích, lợi thế cho công tác đào tạo cán bộ. Do đó, con người là yếu tố quyết định và công tác đào tạo, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ Hải quan là vấn đề cốt yếu. Với quá trình phát triển công nghệ đang đem lại rất nhiều cơ hội cho cán bộ Hải quan được tiếp cận với kiến thức mới thông qua các phương thức bằng chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết.