Nỗi lo thiếu vật liệu
Tổng nhu cầu nguồn vật liệu đắp nền đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 – 2025 và các công trình trọng điểm hiện cần hơn 90 triệu m3 các loại đá, đất, cát, trong đó, ngoài nguồn cát khan hiếm nguồn cung, các vật liệu khác phục vụ thi công tại các địa phương cũng thiếu hụt nghiêm trọng.
Các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ đang triển khai thi công 16 dự án hạ tầng, gồm các cao tốc trọng điểm được áp dụng chính sách đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Đơn cử, cao tốc thành phần Cần Thơ - Cà Mau hiện mới xác định được khoảng 16/18,5 triệu m3 cát, còn thiếu 2,5 triệu m3; cao tốc trục ngang Đông Nam Bộ đoạn Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng xác định được khoảng 18,5/29 triệu m3, còn thiếu khoảng 10,5 triệu m3; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu xác định được khoảng 2,3/3,25 triệu m3, còn thiếu khoảng 1 triệu m3... Công suất khai thác các mỏ cát đã cấp tại các địa phương có các tuyến cao tốc đi qua cũng chưa đáp ứng tiến độ thi công, chỉ đạt trung bình 20.000/60.000 m3/ngày...
Trong bối cảnh nguồn cát sông, vật liệu chính đắp nền đường để gia tải cao tốc tại các địa phương thiếu hụt, nguồn cát biển dồi dào nhưng đang trong giai đoạn thí điểm thử nghiệm, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, khai thác cát biển thay thế cát sông” và bước đầu đã bàn giao cho các địa phương trữ lượng khoảng 145 triệu m3 cát biển khả thi để thử nghiệm đắp nền đường. Tuy nhiên, đến nay, các thủ tục cung cấp cho các nhà thầu thi công vẫn chưa hoàn thành.
Để đảm bảo tiến độ thi công, Bộ GTVT đang đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm hoàn thiện thủ tục khai thác, điều phối nguồn cung ứng vật liệu cho các dự án cao tốc, trên tinh thần có nguồn vật liệu đến đâu, khai thác đến đó, nhất là đối với các dự án cán đích vào cuối năm 2025 theo mục tiêu Chính phủ đề ra.
Theo ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (BQLDA -đại diện chủ đầu tư cao tốc Cần Thơ – Cà Mau), để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền đường dự án, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho các các tỉnh An Giang 7 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m3, Vĩnh Long 5 triệu m3 cát... để ưu tiên cung cấp cho dự án. Đến nay, các địa phương đã cơ bản xác định được nguồn vật liệu, nhưng các thủ tục cấp vẫn chậm.
Tại buổi sơ kết thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I (2017 - 2020) mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã đề xuất các địa phương vào cuộc tích cực, với trách nhiệm chính trị trong việc chủ động tháo gỡ vướng mắc, chủ động có kế hoạch khai thác các mỏ vật liệu cung cấp cho các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông gia đoạn II; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vật liệu, đảm bảo chất lượng, hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.
Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương có nguồn vật liệu cát đắp chủ lực tại ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… phối hợp chặt chẽ Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, điều phối nguồn vật liệu, ưu tiên cung ứng cho các dự án hoàn thành vào cuối năm 2025 và đẩy nhanh cấp phép thủ tục cấp mỏ cát biển cho các dự án thí điểm áp dụng thi công ngay.
Cơ chế đặc thù
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ động triển khai thi công thử nghiệm dùng cát biển đắp nền đường cho các dự án cao tốc tại ĐBSCL từ ngày 29/6/2024, giao BQLDA Mỹ Thuận triển khai tại khu vực biển thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau phục vụ thi công cao tốc thành phần Hậu Giang - Cà Mau.
Việc thí điểm sử dụng cát biển thi công cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT và các địa phương đánh giá, mở rộng phạm vi sử dụng cát biển đắp nền đường đối với các dự án hạ tầng đang được triển khai trong khu vực. Báo cáo Chính phủ của Bộ GTVT cho thấy, các chỉ tiêu cơ lý của cát biển qua thi công thí điểm tương tự cát sông, đủ điều kiện để nhân rộng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, nguồn cát sông vẫn là nguồn vật liệu chính cho đắp nền các dự án giao thông, nhất là các dự án cao tốc, Bộ GTVT kiến nghị Uỷ ban Kinh tế Quốc hội có ý kiến với Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương có các dự án cao tốc đi qua hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về nguồn cung, đáp ứng tiến độ thi công. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết hoặc nghiên cứu điều chỉnh văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản, Luật Đất đai theo hướng cho phép giao mỏ trực tiếp để khai thác phục vụ riêng cho các dự án giao thông, nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản phục vụ thi công các công trình.
Thực tế hiện nay, toàn bộ 25 gói thầu xây lắp thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 đang tập trung thi công và mới đạt giá trị sản lượng hoàn thành khoảng 38% khối lượng xây lắp, chậm so với kế hoạch Chính phủ, Bộ GTVT đặt ra, trong đó nguyên nhân chủ yếu do thiếu vật liệu đắp nền đường. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ, Bộ GTVT đang chỉ đạo các BQLDA, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công tập trung triển xây lắp khai các hạng mục công trình có giá trị cao, không phụ thuộc vào nguồn vật liệu đắp đường như hệ thống cầu cống, hầm chui và thi công cuốn chiếu, có công địa đến đâu thi công đến đó.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ cũng đã thông tin về các mục tiêu, giải pháp khai thác vật liệu cát đối với các cảng biển nội thủy, các sông ngòi kênh, rạch nội địa và giao cho các địa phương đánh giá, điều tra, khai thác, cấp phép. Chính phủ cũng đã chỉ đạo bổ sung các nguồn cát, trong đó có việc nghiên cứu và sử dụng đá xay, nhập khẩu cát... nhằm đảm bảo đủ nguồn vật liệu thi công các dự án giao thông hiện nay.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Từng bước giải quyết vật liệu cát cho các dự án giao thông
Khoáng sản hiện tại sẽ phân thành 4 loại nhóm, trong đó nhóm vật liệu xây dựng thông thường sẽ được đơn giản hóa các thủ tục, tiếp tục thực hiện phân cấp triệt để thực hiện. Khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, Quốc hội sẽ ban hành các nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù liên quan đến gia hạn, nâng công suất các mỏ khai thác, đơn giản hóa các thủ tục.
Các vấn đề này đang được triển khai đúng tiến độ, đặc biệt là giải pháp cho các vùng khó khăn về vật liệu xây dựng như ĐBSCL. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang khẩn trương đánh giá thử nghiệm về nguồn cát biển và ban hành các hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ khai thác, công nghệ san lấp, đánh giá tính chất cơ lý, sức bền vật liệu, tính ảnh hưởng môi trường. Với nhiều giải pháp đồng bộ, thời gian tới, vấn đề nguyên vật liệu cát cho các dự án hạ tầng sẽ được giải quyết tốt.
Giám đốc BQLDA Mỹ Thuận Trần Văn Thi: Mở rộng thí điểm dùng cát biển thi công cao tốc
Việc mở rộng thí điểm dùng cát biển thi công các công trình trọng điểm, đường bộ cao tốc, nhất là cao tốc Bắc Nam hiện nay có ý nghĩa quan trọng cho các dự án trong tương lai, tạo tiền đề thay thế nguồn cát sông đang cạn kiệt. Khu vực ĐBSCL đang triển khai thi công hàng loạt cao tốc trọng điểm như Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh... với tổng nhu cầu cát đắp nền đường khoảng 50 triệu m3. Mặc dù đã được áp dụng cơ chế đặc thù của Chính phủ trong việc cấp mỏ vật liệu, tuy nhiên nguồn cát sông và công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, tiến độ thi công. Kết quả thí điểm sử dụng cát biển thay cát sông đến nay đáp ứng tiêu chuẩn đối với vật liệu thi công nền đường và thực hiện tương tự cát sông. Đây là cơ sở để Bộ GTVT và các địa phương đánh giá, mở rộng phạm vi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với các dự án cao tốc hiện tại.