Điểm đáng chú ý tại dự thảo Quyết định, về cơ cấu tổ chức, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ sắp xếp lại 13 tổ chức tham mưu, giúp việc cùng Trung tâm Chuyển đổi số, dữ liệu phương tiện quốc gia và tập huấn nghiệp vụ xuống còn 10 tổ chức.
Các đơn vị này gồm Văn phòng; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Hợp tác quốc tế; Phòng Tài chính - Kế hoạch đầu tư; Phòng Pháp chế - Thanh tra; Phòng Công nghệ thông tin; Phòng Tàu biển và công trình biển; Phòng Tàu sông; Phòng Kiểm định xe cơ giới; Phòng Chất lượng xe cơ giới và đường sắt để tham mưu, giúp cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm.
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ lựa chọn 3 trong số 20 chi cục đăng kiểm trực thuộc tại 3 miền Bắc, Trung, Nam (có trụ sở đặt tại thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh) để tham mưu, giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm. Đáng chú ý, 3 chi cục này không thực hiện nhiệm vụ tổ chức cung ứng dịch vụ đăng kiểm.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ sắp xếp lại các chi cục, trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và đơn vị sự nghiệp hiện có thành 7 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tổ chức cung ứng dịch vụ đăng kiểm, gồm: Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới; Trung tâm Thử nghiệm Khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Trung tâm Đăng kiểm tàu biển và công trình biển; Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; Trung tâm Đăng kiểm Chất lượng xe cơ giới và đường sắt; Trung tâm Kiểm định xe cơ giới và Trung tâm Đánh giá chứng nhận sự phù hợp.
Cũng tại tờ trình dự thảo, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục đã có báo cáo Bộ Giao thông vận tải về phương án tách chức năng quản lý nhà nước với việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Cục Đăng kiểm Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi chưa được Chính phủ phê duyệt ‟Đề án đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm".
Đơn cử như việc chuyển ngay nhiệm vụ cung cấp dịch vụ đăng kiểm tại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ cho các trung tâm đăng kiểm thuộc Cục chưa thể thực hiện được vì các nhiệm vụ này do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận và được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Do đó, khi chưa bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, các đơn vị trực thuộc không đủ điều kiện, tư cách pháp nhân để tổ chức thực hiện ký, cấp giấy chứng nhận trong khi đây là những nhiệm vụ rất quan trọng liên quan đến an toàn, sinh mạng và sức khỏe con người, cần được kiểm soát chặt chẽ và thống nhất, cũng như cần có thời gian chuyển đổi.
Chưa kể, nhân sự của các đơn vị còn thiếu và yếu nên cần phải có thời gian đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ.
Về biên chế, do áp dụng cơ chế quản lý tài chính của doanh nghiệp nên Cục Đăng kiểm Việt Nam không được giao biên chế công chức, biên chế viên chức; người làm việc tại văn phòng, các phòng tham mưu giúp việc cục trưởng được coi là công chức, người làm việc tại các chi cục, trung tâm thuộc cục được coi là viên chức nhưng chưa được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc quản lý người làm việc tại cục chưa rõ ràng.
Việc không được giao biên chế công chức, viên chức sẽ khó khăn cho cục trong việc bố trí người làm việc tại các tổ chức trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Về tiền lương, do chưa được cấp biên chế hành chính nên không có cơ sở để trả lương từ ngân sách nhà nước cho các công chức đang làm việc tại văn phòng, các phòng tham mưu giúp việc Cục trưởng.
Thời gian qua, cùng với việc xây dựng ‟Đề án đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm", Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng xây dựng dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải để triển khai thi hành Nghị định 56/2022/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải.
Sau khi được Chính phủ phê duyệt đề án, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thực hiện ngay nhiệm vụ tách chức năng quản lý nhà nước với việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm.