Theo ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển của CIC, hiện cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp, thì có đến hơn 773.000 doanh nghiệp chưa tiếp cận được tín dụng, chiếm tới 73,4% tổng số doanh nghiệp hiện có. Ngay tại TP Hồ Chí Minh, cũng có đến 44,5% doanh nghiệp chưa tiếp cận tín dụng.
Mặc dù con số này bao gồm cả những doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, song trên thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng hoặc vay với lãi suất cao.
Thông tin này cũng tương đồng với số liệu do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cung cấp. Đại diện VCCI, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, thống kê của VCCI cho thấy có khoảng 70% doanh nghiệp chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay từ ngân hàng. Vẫn còn tình trạng các ngân hàng ưu ái doanh nghiệp nhà nước hơn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có tài sản bảo đảm, cộng thêm tính minh bạch về tài chính còn yếu kém nên các ngân hàng khó cho vay. Dù sao hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng phải dựa trên tính hiệu quả, khả năng thanh khoản của khách hàng.
Số liệu trên cũng đặt ra cơ hội cho các tổ chức tín dụng trong việc thúc đẩy tiếp cận tín dụng của khách hàng vay; trong đó, thông tin tín dụng của CIC có vai trò rất quan trọng trong vấn đề này. Hoạt động thông tin tín dụng được đánh giá là một trong ba trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, ngay cả những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn ngân hàng nhưng vẫn chưa chắc được cho vay mà tùy thuộc vào thông tin đầu vào, nhất là thông tin tín dụng của CIC. Bởi lẽ, trong điều kiện kinh tế mở hiện nay, một doanh nghiệp có thể mở tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau. Nếu không có thông tin từ CIC, các ngân hàng sẽ khó kiểm soát được rủi ro trong hoạt động này.
Hiện kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia đang lưu trữ hơn 40,6 triệu hồ sơ khách hàng vay, trong đó trên 39 triệu hồ sơ cá nhân và khoảng 1 triệu hồ sơ doanh nghiệp. Kho được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, với sự tham gia của 122 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô chính thức.
Để thúc đẩy tiếp cận tín dụng, CIC đang triển khai một số giải pháp quan trọng như cải tiến sản phẩm dịch vụ linh hoạt, phù hợp hơn với xu hướng thị trường tài chính hiện nay; đa dạng các kênh cung cấp thông tin; giảm chi phí khai thác thông tin tín dụng…
Đặc biệt, mới đây CIC đưa vào vận hành cổng thông tin kết nối khách hàng vay. Thông qua Cổng thông tin này, khách hàng vay có thể dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn các gói tín dụng và đăng ký nhu cầu vay vốn tại tổ chức tín dụng phù hợp. Các tổ chức tín dụng tham gia sẽ thực hiện kết nối, tiếp cận với các khách hàng vay có nhu cầu, giảm thiểu thời gian, chi phí tìm kiếm, lựa chọn khách hàng, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng vay.
Với vai trò quan trọng của mình, các chuyên gia tài chính cho rằng, trong thời gian tới, thông tin tín dụng của CIC cần hỗ trợ tốt hơn cho các bên tham gia. Dịch vụ cho phép người cho vay đánh giá chính xác hơn các rủi ro và cải thiện chất lượng danh mục cho vay; giúp các ngân hàng phát triển các sản phẩm vay khác nhau dựa trên lịch sử tín dụng của khách hàng vay. Đồng thời, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay – từ đó tạo ra thêm các giá trị khác cho nền kinh tế.