Chuyên gia nhận định về cú sốc giá dầu thế giới

Báo “The Hindustan Times” vừa đăng bài viết của nhà bình luận thị trường chứng khoán của Ấn Độ J. Mulraj liên quan đến cú sốc của giá dầu mỏ trên thị trường thế giới. Tác giả cho rằng Saudi Arabia muốn trở thành vua của lĩnh vực dầu mỏ, đã thà để giá dầu giảm chứ không cắt giảm sản lượng như họ đã từng làm trước đây nhằm điều chỉnh giá dầu thế giới. Saudi Arabia đã bước vào một cuộc chiến về giá dầu với Mỹ, nước đang sử dụng công nghệ hiện đại để chiết xuất dầu-khí từ đá phiến và giảm dần sự phụ thuộc vào dầu thô.


Việc giá dầu giảm từ mức 115 USD/thùng xuống 60 USD/thùng, có nghĩa là đã chuyển 1.000 tỷ USD từ các nước sản xuất-xuất khẩu dầu mỏ sang các nước tiêu thụ dầu mỏ như Ấn Độ. Đáng lẽ điều này sẽ thể hiện kết quả trong chi tiêu tiêu dùng và tạo động lực đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng cho đến nay vẫn chưa ai nhận thấy điều đó.


Liệu giá dầu mỏ trên thị trường thế giới sẽ phục hồi hay tiếp tục giảm? Đây là vấn đề mà nhiều nhà phân tích trên thế giới đang tìm cách phán đoán. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, ông T. Boone Pickens, một đại gia về dầu mỏ, cho rằng giá dầu sẽ phục hồi lên mức 90-100 USD/thùng trong vòng 18 tháng. Phân tích của ông Pikens dựa trên hy vọng rằng các nhà sản xuất dầu-khí từ đá phiến sẽ giảm khai thác vì giá thấp.


Hai nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ khai thác dầu-khí từ đá phiến là Halliburton và Baker Hughes dự đoán việc khoan thăm dò, khai thác các mỏ đá phiến mới sẽ giảm. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng cuộc cạnh tranh giữa dầu thô Saudi Arabia và đá phiến Mỹ vẫn tiếp tục làm giảm giá dầu trên thị trường thế giới, trong đó có chuyên gia dự đoán giá dầu có thể giảm xuống tới mức 40 USD/thùng.


Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi (trái) tin rằng giá dầu sẽ phục hồi. Ảnh: AFP/TTXVN


Tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục yếu và không có nguồn tiền nào có thể trợ giúp khu vực này phục hồi tăng trưởng. Trong khi đó, Mỹ thông báo GDP quý 3 tăng trưởng 5%, nhưng phần lớn mức tăng này là nhờ chi tiêu của chính phủ vào lĩnh vực y tế. Tăng trưởng việc làm, cũng như GDP của Mỹ dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nếu các bang sản xuất dầu-khí từ đá phiến như Texas giảm các chương trình chi tiêu. Do đó, nếu giá dầu thô vẫn thấp, tăng trưởng kinh tế và việc làm của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.Trong khi đó, bức tranh kinh tế của Trung Quốc cũng không phải màu hồng, nếu tăng trưởng GDP của nước này thấp hơn nhiều so với con số chính thức, như nhận định của Anne Stevenson-Yang, nhà sáng lập, kiêm Giám đốc viện nghiên cứu J. Capital Research.


Tóm lại, khó có thể dự đoán giá dầu thấp hơn sẽ dẫn tới nhu cầu lớn hơn về dầu mỏ như thế nào, do đó nếu và khi các nhà sản xuất dầu-khí từ đá phiến của Mỹ “hấp hối” và giảm nguồn cung từ ngành công nghiệp này, thì giá dầu mỏ thế giới sẽ phục hồi lên mức 90-100 USD/thùng.


Đối với Ấn Độ, giá dầu thấp thì hóa đơn nhập khẩu dầu mỏ sẽ giảm và thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai (CAD) có thể dễ kiểm soát hơn. Giá dầu thấp không có lợi nhiều đối với các công ty sản xuất ô tô vì chính quyền các bang sẽ tăng thuế đối với các sản phẩm xăng dầu nhằm tăng thu nhập. Bất luận thế nào, việc giảm lãi suất cho vay sẽ tác động đến doanh số ô tô bán ra hơn là giảm giá dầu. Hãng Maruti có thể tăng 13% doanh số ô tô bán ra nếu Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI- Ngân hàng Trung ương) giảm lãi suất cho vay theo như dự kiến trước khi Quốc hội thông qua ngân sách mới cho tài khóa tới, bắt đầu từ 1/4/2015. Tuy nhiên, các hãng hàng không dự kiến có thể được lợi từ giá nhiên liệu máy bay giảm.



Minh Lý(P/v TTXVN tại Ấn Độ)

Giá dầu chạm đáy 6 năm
Giá dầu chạm đáy 6 năm

Thị trường dầu mỏ thế giới tiếp tục đà suy giảm, khép lại một năm đánh dấu mức giá dầu sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN