Thị trường dầu mỏ thế giới tiếp tục đà suy giảm trong ngày cuối năm 31/12, khép lại một năm đánh dấu mức giá dầu sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.Việc giảm giá diễn ra trong bối cảnh thị trường thế giới đang phải đối mặt với nguồn cung dư thừa và kinh tế tăng trưởng chậm.
Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg. |
Tại New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) giao tháng 2/2015 giảm 85 cent xuống 53,27 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009. Tại London (Anh), giá dầu thô Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 57 cent xuống 57,33 USD/ thùng.
Như vậy trong năm 2014, dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas và dầu thô Brent Biển Bắc đã lần lượt giảm 46% và 48% giá trị, chủ yếu bắt đầu từ tháng 6, thời điểm giá dầu vẫn còn trên mức 100 USD/thùng.
Sản xuất dầu tăng mạnh tại Mỹ và Canada đã đẩy thị trường dầu mỏ thế giới vào tình trạng cung vượt cầu trong khi kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng chậm tại nhiều nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc - thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, những yếu tố khác cũng tác động đến giá dầu như tình hình suy thoái tại Nhật Bản và khó khăn kinh tế tại 18 quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác 30 triệu thùng/ngày cũng là nguyên nhân khiến giá dầu khó phục hồi trong thời gian tới.
Bước sang năm 2015, giới quan sát dự báo giá dầu thế giới sẽ tiếp tục đà giảm trong quý I song có khả năng sẽ khởi sắc trở lại trong nửa cuối năm, tùy thuộc vào tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt phụ thuộc nhiều vào tình hình tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực Eurozone.
Trong khi đó, giá dầu thấp có thể khiến các mỏ khai thác đóng cửa và kìm hãm bớt sản xuất dầu tại Mỹ, cân bằng trở lại cán cân cung cầu.
TTXVN/Tin tức