Cụ thể, thông cáo báo chí ngày 4/1 của Bộ Công Thương không công bố về giá xăng RON 95, chỉ công bố giữ nguyên giá xăng E5. Nhưng trên thị trường, xăng RON 95 đã tăng giá mạnh tới 810 đồng/lít, lên mức 20.290 đồng/lít đối với RON 95 tiêu chuẩn IV và 20.090 đồng/lít đối với RON 95 tiêu chuẩn III.
Xăng RON 95 III và IV hiện đã cao hơn xăng sinh học E5 RON 92 từ 1.850 đến 2.050 đồng/lít.
PVOIL triển khai đồng loạt bán xăng E5 RON92 từ ngày 15/12. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Thực tế từ trước đến nay, liên bộ Tài chính - Công Thương không điều hành giá xăng RON 95 với lý do đây là mặt hàng cao cấp, không phổ biến trên thị trường. Các doanh nghiệp đầu mối được tự quyết theo cơ chế thị trường. Liên bộ cũng không công bố giá cơ sở của loại xăng này.
Thông tư liên tịch số 39/2014 của Bộ Tài chính - Công Thương quy định: “Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước”. Tiêu dùng phổ biến trên thị trường ở đây bao hàm ý nghĩa phục vụ cho đa số các đối tượng, phương tiện sử dụng, có tính đến sản lượng tiêu thụ.
Trước đây người tiêu dùng sử dụng xăng A92 và xăng A95 nhưng do xăng A92 phù hợp cho đa số phương tiện có động cơ đời cũ trên thị trường nên là mặt hàng tiêu dùng phổ biến. Xăng A92 được xác định để tính toán, công bố giá cơ sở phục vụ điều hành giá bán lẻ.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, điều này không có nghĩa liên bộ không giám sát, quản lý xăng A95 mà mỗi lần doanh nghiệp điều chỉnh giá đều phải gửi báo cáo để giám sát.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau khi dừng bán xăng RON 92 thì xăng RON 95 chiếm một tỷ lệ lớn khách hàng đổ xăng do nhiều người băn khoăn về chất lượng xăng E5. Do đó, cơ quan điều hành giá cần công bố giá cơ sở của xăng RON 95.
PV báo Tin Tức đã liên hệ với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để hỏi về việc giá xăng A95 bị thả nổi ảnh hưởng thế nào đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, đại diện Hội từ chối trả lời do "đây là vấn đề nhạy cảm". |
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư kí Hội Thẩm định giá, trước đây cơ quan điều hành sử dụng giá xăng A92 để tham chiếu, tính toán giá xăng A95. Bây giờ không còn xăng A92 để tham chiếu nữa, chỉ còn 2 loại xăng RON 95 và xăng sinh học E5 RON 92 nên liên Bộ cần phải công bố công khai giá cơ sở các loại xăng để có công cụ kiểm soát giá. Việc liên Bộ không công bố giá cơ sở xăng A95 cùng thời điểm với việc khai tử xăng A92 là không hợp lý.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức sáng 9/1, đại diện Saigon Petro cho biết, trong đợt điều hành giá vừa qua, giá xăng E5 được chi Quỹ bình ổn 857 đồng/lít, trong khi xăng khoáng không được chi quỹ. Do đó, giá xăng E5 được giữ nguyên, còn xăng RON 95 buộc phải tăng giá theo cơ chế thị trường.
"Nếu không được chi quỹ bình ổn thì giá xăng E5 cũng tăng. Đây là quyết định của cơ quan điều hành giá, còn doanh nghiệp buộc phải tăng giá xăng RON 95 theo giá thế giới", vị đại diện Saigon Petro cho hay.
Khu trạm pha chế xăng sinh học E5 của PVOIL Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Thông tin cập nhật từ PVOil cho thấy, từ ngày 15/12/2017, sản lượng xăng E5 RON 92 bán ra trong hệ thống đạt khoảng 600 - 650 m3/ngày, tăng gấp 2,5 lần so với trước và chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng lượng xăng bán ra. Nghĩa là, 30% lượng bán còn lại là thuộc xăng khoáng RON 95.
Đại diện Saigon Petro khi trao đổi với phóng viên Tin Tức cũng cho biết, khoảng 70% khách dùng xăng A92 tại TP Hồ Chí Minh đã chuyển qua dùng xăng E5, còn lại chuyển qua dùng xăng A95. Với mức cách biệt giá 1.800 - 2.000 đồng/lít, thời gian tới người sử dụng xăng E5 có thể tăng lên, tuy nhiên cần đợi hết quý 1 để đánh giá.
Như vậy có thể thấy, xăng RON 95 vẫn là một sự lựa chọn của khách hàng và nó cũng khiến thị trường xăng dầu đa dạng hơn. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu quy định có rất nhiều mặt hàng xăng dầu phải công bố giá. Đối với những mặt hàng chưa sử dụng phổ biến thì sẽ công bố giá ở thời điểm thích hợp.
“Trước đây xăng A92 chiếm tỉ trọng 70% thị trường, bây giờ loại xăng này không còn mà chỉ còn xăng A95 và E5. Như vậy đã tới thời điểm thích hợp để Nhà nước công bố giá trần xăng A95 trong các kỳ điều hành để người tiêu dùng giám sát”, chuyên gia đề nghị.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong có quan điểm khác. Theo ông Phong, thay thế xăng A92 bằng xăng E5 là cần thiết. Việc cơ quan quản lý dừng điều hành giá xăng A95 mà chỉ điều hành giá xăng E5, chi quỹ bình ổn chính là nhằm mục tiêu này.
"Điều này là cần thiết, nhưng cần quản lý lợi nhuận của việc "thả" giá xăng A95, không để doanh nghiệp nhận hết mà cần thu về ngân sách nhà nước hoặc thu về quỹ bình ổn. Nhà nước có thể quy định lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp, còn lại điều tiết đưa về ngân sách", chuyên gia nêu ý kiến.
Theo chuyên gia này, không lo chuyện giá xăng A95 bị thả nổi sẽ tăng chót vót bởi chúng ta đang hướng giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, mời gọi doanh nghiệp ngoại vào đầu tư. Doanh nghiệp tự biết định giá bao nhiêu để bán được, nếu bán giá cao quá thì không ai mua.