Tuy nhiên, việc đưa lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% có thể gặp khó khăn khi những thách thức về chuỗi cung ứng, nhân khẩu học và một số vấn đề khác sẽ khiến giá cao hơn.
Theo ông Gorman, lạm phát sẽ vẫn cao hơn mong muốn của nhiều người. Các ngân hàng trung ương có thể giảm lạm phát xuống khoảng 4%. Song, sau đó, vấn đề sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều khi nguồn cung vẫn thắt chặt.
Các bình luận của ông Gorman có thể sẽ trở thành chủ đề cho các cuộc tranh luận trong giai đoạn tiếp theo của các ngân hàng trung ương và các nhà lãnh đạo toàn cầu khi họ đánh giá mức độ hiệu quả của các chính sách kiểm soát giá cả trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc và có thể xảy ra suy thoái tại các khu vực trọng điểm như châu Âu.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass lưu ý lạm phát vẫn rất đáng lo ngại và tình trạng lạm phát đình trệ đang diễn ra. Theo ông Malpass, tốc độ tăng trưởng đang giảm tốc, lạm phát cao kéo dài và nhiều quốc gia đối diện với nguy cơ suy thoái.
Ông Malpass cho rằng ngoài những biện pháp của các ngân hàng trung ương trên thế giới, cũng cần một giải pháp từ phía nguồn cung để kiểm soát giá cả.
Một số quan chức cũng nhất trí rằng giá cả vẫn đang tăng quá nhanh và cần có các giải pháp khác ngoài chính sách tiền tệ. Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết giá vẫn còn quá cao. Theo ông Adeyemo, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chịu trách nhiệm chính trong cuộc chiến chống lạm phát, song Bộ này đang làm mọi thứ có thể để can thiệp vào nguồn cung, bao gồm cả việc giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược cho đến tăng đầu tư công vào sản xuất vi mạch và các chương trình đào tạo nhằm cải thiện nguồn lao động.
Trong khi đó, cựu nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Olivier Blanchard, hiện là thành viên cao cấp của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, từ lâu đã ủng hộ việc nâng mục tiêu lạm phát lên cao hơn. Theo ông Blanchard, những biện pháp để đưa lạm phát về mức 2% là quá “đau đớn” để thực hiện.