Ông Lữ Vincent Thế Hùng, Tổng Giám đốc CTCP công nghệ Bách Hoá Việt cho biết: "Với sự lên ngôi của các thiết bị điện thoại thông minh, bán hàng dựa trên nền tảng ứng dụng phục vụ thương mại điện tử sẽ là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, kênh bán hàng truyền thống vẫn là kênh chủ đạo chiếm hơn 60% tổng doanh số bán lẻ. Việc kết hợp giữa hai kênh bán hàng, sử dụng công nghệ hỗ trợ kênh truyền thống (chuyển đổi số) trở thành việc cấp bách, là thách thức với doanh nghiệp sản xuất, cung cấp hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Với ý nghĩ này, Công ty Bách Hoá Việt đã cho ra ứng dụng công nghệ hỗ trợ cho việc liên kết giữa các đối tượng trong chuỗi cung ứng - GT Link. Theo ông Thế Hùng, mặc dù các cửa hàng bán lẻ truyền thống chiếm hơn 70% cả nước nhưng các nhà sản xuất, nhà phân phối, cửa hàng bán lẻ và người tiêu dùng vẫn chưa tiếp cận được những điều kiện tốt nhất do thiếu quy trình và sắp xếp không gian trong cửa hàng còn chưa được tối ưu. Theo đó, ứng dụng trên sẽ là giải pháp giúp kết nối nhà sản xuất, nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ truyền thống đi kèm một số tính năng hỗ trợ như hệ thống logistic, hệ thống thanh toán thông minh. Dự kiến, sẽ có hơn 80.000 cửa hàng bán lẻ, phân phối hàng hoá cùng các đơn vị logistic, hệ thống thanh toán… tham gia ứng dụng
Không chỉ thế, theo ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch HĐQT CTCP Việt Nam Ca Cao, việc kết nối "các nhà" thông qua một ứng dụng cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống có sức cạnh tranh với các “đối thủ” nước ngoài. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thua về tiềm lực và khả năng thích ứng khi gặp vấn đề phát sinh như hiện nay. Cụ thể, các doanh nghiệp này thiếu sự liên kết với nhau giữa các đối tượng trong một chuỗi cung ứng nên còn gặp nhiều trở ngại trong việc trao đổi và bắt kịp xu hướng; giữ lối suy nghĩ truyền thống nên chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ và ngại học cái mới, thay đổi cái cũ; hàng hoá cung ứng cho các siêu thị và chợ, các doanh nghiệp chỉ đáp ứng được 40 - 60%, còn lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; gặp nhiều khó khăn trong việc trưng bày sản phẩm ở các siêu thị như thủ tục rườm rà, nhiều loại phí; các chi phí về vận chuyển, thủ tục hải quan còn tốn thời gian và chi phí cao hơn các nước khác trong khu vực...
Ngoài ra, sự thiếu hụt về đội ngũ các nhà quản lý, điều hành chuyên nghiệp tại các cơ sở kinh doanh truyền thống và hiện đại, ảnh hưởng tới độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam, nếu tình trạng kéo dài thì không dễ khắc phục.
Ông Nguyễn Quốc Cường, cố vấn cao cấp cho quỹ Faster Capital và UAE, cho rằng đây là một “miếng bánh” lớn, nếu tận dụng tốt có thể phát triển vượt bậc. Bởi, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, doanh thu bán lẻ của cả nước đạt gần 162 tỷ USD. Các kênh bán lẻ hiện đại như website, các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch hàng hóa… hiện tại đang chiếm hơn 22%, trong khi các kênh bán lẻ truyền thống chiếm đến 70% với 1,5 triệu đại lý bán lẻ và hơn 9.000 chợ truyền thống. Do đó, doanh nghiệp nên tập trung thị trường bán lẻ hiện đại mà cả truyền thống, không chỉ ở tại thành thị mà cả nông thôn và nên đẩy mạnh, mở rộng với việc đa dạng các loại hình bán lẻ thông qua chuyển đổi số. Có như vậy, cơ sở hạ tầng của thị trường bán lẻ truyền thống sẽ ngày càng được chỉnh chu hơn: Kênh phân phối thông suốt, quá trình vận chuyển thuận lợi, các yếu tố về vệ sinh, nguồn gốc, môi trường ngày càng được đảm bảo…
Cụ thể, đối với nhà sản xuất, nhà phân phối thì hệ thống phân phối sẽ không còn cồng kềnh, khó kiểm soát; các vấn đề về hàng tồn kho, kho bãi, vận chuyển sẽ được giải quyết tối ưu chi phí, kèm theo đó là quản lý được giá bán sản phẩm cuối cùng đến tay người dùng. Riêng các cửa hàng bán lẻ, việc tiếp cận nguồn hàng chất lượng cao, giá thành tốt sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, những vấn đề quy mô kinh doanh, khoảng cách địa lý, thiếu quy trình, thiếu nhạy bén với xu hướng thị trường... sẽ được giải quyết nhanh, giúp ngành bán lẻ truyền thống không phải bấp bênh. Về phía người tiêu dùng, không phải chịu “thiệt thòi” khi gánh mọi chi phí cả về giá cả, chất lượng và số lượng do hệ thống yếu kém mang lại, kèm theo đó là thiếu hụt thông tin tiêu dùng khi không được tiếp cận được nguồn hàng đáng tin cậy.
Cùng quan điểm này, bà Huỳnh Minh Băng Nga, chuyên viên quản lý cấp cao công ty DKSH tại Việt Nam, cho biết công ty cũng đã xây dựng ứng dụng bán hàng trong hệ thống của mình. Theo đó, ứng dụng này giúp các nhà phân phối quản lý hàng tồn, hàng bán chạy, từ đó kết nối với các nhà sản xuất đặt thêm hàng. Công ty cũng đặc biệt ưu đãi giá thành cho các nhà phân phối nào đặt hàng và thanh toán trên online. Tuy nhiên, đội ngũ bán hàng của các nhà phân phối vẫn phải gặp các khách hàng là các đại lý cấp nhỏ hay các hệ thống siêu thị để giới thiệu, đẩy mạnh kinh doanh. Điều này không chỉ tốn nhiều chi phí cho nhân sự mà còn mất nhiều thời gian để tổng hợp thông tin. Vì vậy, một ứng dụng riêng ra đời kết nối các nhà sản xuất, phân phối, đại lý hay cửa hàng với khách hàng qua thanh toán trực tuyến sẽ là giải pháp tốt nhất để tất cả mọi người cùng “win-win”, nhất là trong thời điểm ngại tiếp xúc hiện nay.