Sự đa dạng của các nguồn năng lượng tái tạo có sẵn trong tự nhiên như: Mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối, thủy triều, dòng chảy… đã và đang được triển khai trên toàn cầu. Chính vì vậy, để giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, cần nghiên cứu đồng lợi ích của năng lượng tái tạo tại Việt Nam; đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy các lợi ich từ phát triển năng lượng tái tạo.
Các lợi ích từ phát triển nguồn năng lượng tái tạo
Thạc sĩ Fabian Slope, đại diện Viện Nghiên cứu độc lập các vấn đề về môi trường Berlin (UfU), Đức cho rằng: Phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả không chỉ là giải pháp quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn mang lại các lợi ích về kinh tế xã hội như tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của các quốc gia. Tại Việt Nam, hầu hết các lợi ích và tác động trên vẫn chưa được đưa vào nghiên cứu chuyên sâu và đánh giá đúng mức. Trong bối cảnh đó, UfU cùng với các tổ chức đối tác tại Việt Nam đã tiến hành thực hiện dự án “Thúc đẩy những đồng lợi ích về kinh tế - xã hội của việc phát triển năng lượng tái tạo trong giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam”.
Hiện Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng như thúc đẩy dự án đầu tư công nghệ, tạo ra nguồn thu nhập mới cho nông dân và các địa phương… nhưng vẫn cần thiết nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nhằm đưa ra giải pháp tốt nhất cho địa phương. Theo đó, Chính phủ nên đưa ra các biện pháp ngắn hạn để cung cấp cho các vùng sâu, vùng xa, miền núi; thúc đẩy tiềm năng tua bin gió... Đồng thời, ông Fabian Slope cho rằng cần thu hút các nhà hoạch định chính sách, phát triển hệ thống nối lưới hoặc điện năng lượng tái tạo đến năm 2030; tăng cường khả năng tiếp cận với trẻ em nghèo; lồng ghép các chính sách phát triển nông thôn, tích cực thúc đẩy các lợi ích từ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (Green ID), quyết định tỉ trọng năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện VII hiệu chỉnh từ 6% lên 10,7% đã mở đường cho 315.000 việc làm tạo ra mỗi năm từ ngành điện, trong đó số lượng việc làm mới tạo ra từ năng lượng tái tạo cao gấp đôi so với nhiên liệu hóa thạch. Điều này đồng nghĩa với năng lực đào tạo tại các trường đại học, trường dạy nghề cần phải thích ứng với xu hướng phát triển này để có thể tạo ra nguồn nhân lực phù hợp đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Sáng kiến của cộng đồng
Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, tạo ra các giá trị đồng lợi ích thông qua Chương trình "Triệu ngôi nhà xanh vì Việt Nam thịnh vượng” do Green ID đề xướng, Chương trình hướng tới mục tiêu năm 2030 đạt 1 triệu ngôi nhà và tòa nhà áp dụng các giải pháp xanh đặc biệt là điện Mặt trời mái nhà cùng với các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, mang lại lợi ich cho các hộ gia đình, cộng đồng và doanh nghiệp ở Việt Nam. Ý tưởng Dự án “Ngôi nhà xanh” được hình thành từ tháng 8/2018, theo đó ngoài giải pháp về điện từ năng lượng tái tạo như mặt trời, sinh khối, gió…còn có các giải pháp ứng dụng của năng lượng mặt trời như xử lý nước nóng; giải pháp về sử dụng thiết bị gia dụng tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, ý tưởng này cũng gắn với giải pháp xử lý rác thải bằng cách phân loại tại nguồn, tái chế và tái sử dụng; việc thu hồi và tái sử dụng nước mưa; trồng cây xanh để làm mát và lọc không khí…
“Chúng tôi muốn kiến tạo và thúc đẩy ứng dụng các giải pháp năng lượng tái tạo, tiết kiệm hiệu quả và sử dụng tài nguyên hợp lý. Chương trình cần được bắt đầu từ quy mô từng hộ gia đình đến các khu dân cư, tiến tới mỗi thành phố và hướng đến quy mô cả nước. Đặc biệt, sắp tới Chương trình sẽ hỗ trợ thí điểm 90 hệ thống điện Mặt trời mái nhà ở các quy mô khác nhau được ứng dụng (từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2020) tại Hà Nội, Huế, An Giang, Đăk Lăk, Hậu Giang.. Cụ thể, tại Hà Nội thì tùy thuộc vào nhu cầu hộ gia đình, không giới hạn công suất lắp đặt, chương trình cũng sẽ hỗ trợ tài chính tối đa 3 triệu đồng/kWp và tối đa 9 triệu đồng cho mỗi hộ gia đình”, bà Khanh chia sẻ.
Bàn về kịch bản cơ hội việc làm khác nhau trong từng giai đoạn, các kỹ năng cần thiết của ngành năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Cụ thể, nội dung cần đề cập hiện nay là chất lượng đào tạo, chất lượng việc làm...Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức (Trưởng bộ môn Năng lượng tái tạo, Đại học Điện lực) cho rằng, trước mắt các trường đại học Việt Nam có thể đào tạo những người có khả năng đảm trách vị trí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, giám sát thi công, tư vấn công nghệ…trong các doanh nghiệp điện gió, điện Mặt trời. Về lâu dài, cần đào tạo những con người có khả năng làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ hay thiết bị, ví dụ như cánh quạt gió, turbine, tụ điện điều khiển gắn dưới cột turbine, có vậy Việt Nam mới có thể chủ động về công nghệ và đáp ứng chiến lược phát triển nền công nghiệp năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm hơn việc hỗ trợ giữa các thế hệ kỹ sư với các doanh nghiệp; mở ứng tuyển cho các sinh viên đến thực tập tại các cơ sở năng lượng tái tạo... nhằm tạo cơ hội để sinh viên có các kỹ năng cần thiết và tạo động lực làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.