Xin bà cho biết tình hình triển khai các hoạt động của dự án tại Việt Nam thời gian qua? Dự án đã tác động như thế nào đến việc triển khai các cơ chế, chính sách về bảo vệ tài nguyên và môi trường của Việt Nam?
Theo Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được phê duyệt triển khai tại 10 địa phương: Hà Tĩnh, Quảng Bình (Đồng Hới), Thừa Thiên - Huế (A Lưới), Đà Nẵng, Quảng Nam (Cù Lao Chàm), Phú Yên (Tuy Hòa), Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Long An (Tân An), Kiên Giang (Rạch Giá và Phú Quốc), với kỳ vọng góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam; hỗ trợ quá thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các nghị định và thông tư dưới luật liên quan đến quản lý chất thải rắn và chất thải nhựa.
Đến nay, dự án đã thu được những kết quả đột phá, kịp thời từ các hoạt động nghiên cứu, đánh giá, tham vấn, khuyến nghị… góp phần hoàn thiện khuôn khổ chính sách và thể chế tăng cường quản lý hiệu quả chất thải rắn; hỗ trợ, đảm bảo cam kết của Việt Nam trong việc tham gia Hiệp ước toàn cầu ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa, bao gồm quản lý rác thải nhựa đại dương. Dự án cũng tạo sự thay đổi toàn diện về nhận thức, hành vi của các bên liên quan trong việc giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam như: Tăng cường quản lý, thu gom, phân loại - xử lý rác; tăng tỷ lệ thu hồi rác tái chế; tuyên truyền, giáo dục; xoá các điểm nóng về rác thải nhựa…
Hiện có thêm nhiều địa phương cam kết trở thành Đô thị Giảm nhựa và nội dung này đã được dự án tổng kết trên toàn quốc tại Hội nghị đô thị giảm nhựa do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức ngày 4/11/2023 tại Hà Nội. Các hoạt động truyền thông đã góp phần tạo ảnh hưởng ở các cấp độ, tạo ra tác động hai chiều thúc đẩy việc thay đổi hành vi trong xã hội, từ các tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp đến hộ gia đình, cá nhân.
Đáng chú ý, tại các địa phương, thông qua dự án, nhiều trường học đã xây dựng và triển khai chương trình giáo dục về giảm rác thải nhựa, hàng ngàn tấn rác thải nhựa được thu gom, ngăn chặn sự thất thoát ra môi trường biển. Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ Ban quản lý các khu bảo tồn biển làm sạch các khu vực rạn san hô, thảm cỏ biển quan trọng tại Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm... làm tiền đề cho việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án “Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương”
Sáng kiến Đô thị Giảm nhựa (ĐTGN) của WWF tại Việt Nam triển khai như thế nào tại các địa phương, thưa bà?
Tại Việt Nam, việc triển khai dự án dựa trên nghiên cứu đầu vào về hiện trạng phát thải, sơ đồ dòng thải và tỷ lệ thất thoát rác thải nhựa. Chương trình ĐTGN đưa ra cách tiếp cận tổng thể, tối ưu hóa sự hợp tác và đề cao vai trò làm chủ của các đối tác địa phương trong việc lựa chọn các ưu tiên để xử lý các vấn đề trọng tâm, nhằm cải thiện công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng dựa trên Kế hoạch hành động (KHHĐ) quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương được ban hành tại Quyết định 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019.
Chương trình ĐTGN đã đồng hành và hỗ trợ các địa phương xây dựng KHHĐ Quản lý rác thải nhựa tới năm 2025, tầm nhìn 2030, với các nội dung trọng tâm: Cải thiện, bổ sung, chỉnh sửa và đẩy mạnh thực thi các chính sách về công tác quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa của địa phương; nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về giảm thiểu rác thải nhựa; cải thiện hệ thống quản lý - thu gom - xử lý rác thải, tăng cường phân loại rác, thu hồi rác tái chế; kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa trên bờ và dưới biển; tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, các nghiên cứu, thực hiện công tác giám sát - đánh giá... KHHĐ này xác định rõ vai trò và phân công trách nhiệm của các bên liên quan tại địa phương cùng tham gia thực hiện.
Chương trình ĐTGN được thực hiện ở cấp toàn cầu với 42 đô thị tham gia, trong đó tại Việt Nam đã có 9 đô thị đã ký cam kết, ban hành KHHĐ và đang tích cực triển khai KHHĐ. Đây là một nỗ lực lớn của chương trình này tại Việt Nam. Các địa phương đầu tiên tham gia chương trình như Phú Quốc, Phú Yên, Thanh Khê... đều đã triển khai thí điểm các hoạt động: Cải thiện hệ thống thu gom; mô hình chợ giảm thiểu rác thải nhựa; thí điểm phân loại rác hộ gia đình và xử lý bằng vi sinh bản địa; xóa điểm nóng và thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm tránh tái nhiễm; vận hành các điểm tập kết xanh; vớt rác thủ công hoặc bẫy rác trên sông... Trong 4 năm qua, chương trình ĐTGN tại Việt Nam đã làm việc với hơn 160 trường học các cấp tại các địa bàn trong khuôn khổ dự án, xây dựng các mô hình "Trường học không rác thải nhựa".
Nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng các giải pháp hiệu quả từ dự án với WWF bằng nguồn lực của địa phương như: Điểm tập kết xanh ở Đà Nẵng, phân loại rác tại nguồn ở Tân An hay ngư dân mang rác về bờ ở Đồng Hới... Tại Phú Quốc và Huế, gần 60 doanh nghiệp lớn nhỏ đã hưởng ứng nỗ lực giảm nhựa thông qua việc thay đổi vận hành hoạt động doanh nghiệp và giáo dục nhân viên, tham gia góp ý kiến cho chính quyền các chính sách quản lý rác thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng.
Vậy, việc triển khai dự án tại Việt Nam có những tồn tại, khó khăn, bất cập gì không, thưa bà? Bà có khuyến nghị gì đối với bài toán giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam?
Bên cạnh những kết quả tích cực, ý nghĩa, trong quá trình triển khai, dự án gặp không ít khó khăn, thách thức đến từ hệ thống chính sách, cơ chế thực hiện dự án sử dụng vốn tài trợ nước ngoài, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các dự án, chương trình khác về nhựa. Bên cạnh đó, ý thức của người dân vẫn hạn chế, dự án sẽ khó duy trì hiệu quả nếu không có sự quan tâm của đơn vị thụ hưởng trong bảo vệ và phát huy thành quả sau dự án như việc xoá điểm nóng, mở rộng thu gom, lắp đặt trang thiết bị truyền thông và giám sát, phân loại rác tại nguồn…
Những khó khăn thách thức này đặt ra yêu cầu các cán bộ dự án cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian còn lại của dự án. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương thời gian tới cần phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để việc triển khai dự án, giám sát kiểm tra, nghiệm thu các kết quả dự án được nhanh chóng, hiệu quả, đạt được các mục tiêu thiết kế ban đầu của dự án; cũng như các đề xuất điều chỉnh theo tình hình thực tế.
Đặc biệt, khi các địa phương nhìn nhận, đánh giá được tổng thể về hiệu quả và thành công của chương trình, các kết quả của dự án thời tới sẽ tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng hơn nữa, với sự tiếp nhận, chủ động và hành động quyết liệt của các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng các mô hình quản lý rác thải nhựa ở cấp địa phương, không chỉ là cơ hội để cái thiện môi trường sống xanh, giảm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế, du lịch, mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển xanh tại Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn bà!