Giải pháp xử lý rác thải thành tài nguyên

Khi tài nguyên thiên nhiên đang dần bị cạn kiệt, rác thải được xem là một nguồn tài nguyên mà con người có thể tái chế, tái sử dụng. Để tiết kiệm tài nguyên, nhiều quốc gia đang tìm mọi cách biến rác thải của ngành này thành nguyên liệu đầu vào của ngành khác trong một vòng khép kín. 

Mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 23 triệu tấn rác thải. Với gần 100 triệu dân, mỗi năm lượng rác gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng triệu tấn rác bị vứt bỏ. Nếu như số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.

Chú thích ảnh
Rác thải chất thành đống, tràn ra lòng đường, bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Quản lý hiệu quả ngay từ đầu vào

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 67.000 tấn chất thải sinh hoạt (thường gọi là rác thải), trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%. Chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải sinh hoạt tăng thêm 10 -16%. 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này đưa ra nhiệm vụ cụ thể nhằm tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại. Trong đó, nhiệm vụ thiết lập mạng lưới các cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung theo hướng liên vùng, liên tỉnh với công nghệ phù hợp theo từng vùng, miền; đẩy mạnh áp dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng xử lý, xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng; thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường cho hoạt động chôn lấp chất thải, từng bước hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải sinh hoạt.

Quyết định quy định tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom đến năm 2025 là dưới 30%, đến năm 2030 là dưới 10%. Vì vậy, các địa phương khi đầu tư mới hoặc đưa vào vận hành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; bảo đảm giảm dần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đáp ứng đúng tỷ lệ trên.

Để rác thải trở thành tài nguyên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng cần làm tốt từ khâu phân loại, thu gom đến xử lý. Công tác phân loại chất thải tại nguồn đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, về tổng thể, việc phân loại chủ yếu là xây dựng mô hình, chưa được triển khai trên diện rộng và bền vững.

Giải quyết bất cập này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có nhiều nội dung về công tác quản lý chất thải sinh hoạt. Theo đó, rác thải sinh hoạt được phân thành 3 loại là chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải sinh hoạt khác; đồng thời đưa ra lộ trình bắt buộc thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Luật giao trách nhiệm cụ thể cho UBND cấp tỉnh triển khai quy định này. Ngày 02/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT hướng dẫn cụ thể về phân loại chất thải sinh hoạt. Nhiều địa phương đã lồng ghép nội dung quản lý chất thải sinh hoạt vào quy hoạch chung của tỉnh, thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Qua đó, công tác quản lý chất thải sinh hoạt đã có chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị năm 2023 ước đạt 95%; tại khu vực nông thôn ước đạt 71%, trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64% (giảm 26% so với năm 2012). Tổng lượng chất thải nhựa được thu gom, tái chế khoảng 2,4 triệu tấn.

Đến nay, cả nước có khoảng 1.712 cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt; bao gồm 467 lò đốt, 38 dây chuyền sản xuất phân compost, khoảng 1.207 bãi chôn lấp. Tỷ lệ chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost đạt khoảng 16% và tỷ lệ chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt thu hồi năng lượng đạt khoảng 9,3%.

Đặc biệt, hoạt động xử lý chất thải sinh hoạt để thu hồi năng lượng được các địa phương đẩy mạnh. Cả nước có 3 nhà máy đốt rác phát điện đã đi vào hoạt động là Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (Hà Nội) công suất 4.000 tấn/ngày; Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Ngôi sao xanh (tỉnh Bắc Ninh) công suất 180 tấn/ngày và Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng Môi trường EB (Cần Thơ) công suất 400 tấn/ngày. Hiện có 15 dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện đang được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh. 

Đem lại giá trị mới cho rác thải  

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: PV/Vietnam+

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường việc quản lý chất thải sinh hoạt là vấn đề đòi hỏi các địa phương cần phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Về nguồn lực tài chính, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rất cụ thể những doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí xanh sẽ được hỗ trợ về tín dụng. Việt Nam đã ký Thỏa thuận với đối tác quốc tế về chuyển đổi năng lượng công bằng, trong đó các nước tư bản và Liên minh châu Âu cam kết hỗ trợ Việt Nam 15,5 tỷ USD. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước có thể khai thác được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
 
Ở trong nước, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã triển khai cho vay ưu đãi những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật. Các chủ đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt được vay vốn với lãi suất ưu đãi và cố định trong suốt thời gian vay; thời gian vay tối đa 60 tháng; số tiền vay lên đến 80% tổng mức đầu tư dự án đối với những dự án có xử lý chôn lấp dưới 30% và 70% tổng mức nếu trên 30%. 

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý rác thải đã đem lại những hiệu quả rất tích cực. Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng công suất 180 tấn/ngày tại xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) chính thức vận hành từ 1/11/2023 là nhà máy đốt rác phát điện tư nhân tiên phong tại Việt Nam, là thành quả của mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Môi trường Ngôi Sao Xanh với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chosun Refractories ENG và Tập đoàn SK Ecoplant (Hàn Quốc) trong lĩnh vực phát triển công nghệ đốt rác phát điện, đặc biệt là các giải pháp trí tuệ nhân tạo trong đốt chất thải. Nhà máy vận hành chính thức góp phần bảo vệ môi trường của tỉnh Bắc Ninh, cung cấp điện cho địa phương khoảng 40 triệu KWh/mỗi năm. Việc vận hành nhà máy được kỳ vọng sẽ sớm trở thành hình mẫu tiên phong trao đổi chứng chỉ carbon theo Thỏa thuận Paris và Thỏa thuận song phương giữa Hàn Quốc - Việt Nam.

Tại Đối thoại chính sách môi trường Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 8 và cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về quản lý chất thải và 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) lần thứ 6 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam với Bộ Môi trường Nhật Bản, hai bên cùng thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác với Bắc Ninh, Bình Dương thực hiện dự án biến rác thải thành năng lượng, thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ phát triển các dự án biến rác thành năng lượng tại 4 địa phương là Đồng Nai, Thanh Hóa, Khánh Hòa và Tiền Giang.

Đặc biệt, ngày 11/01/2024, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng xanh T&J (T&J Green Energy) khánh thành Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng tại xã Ngũ Thái, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nhà máy được khởi công xây dựng từ tháng 01/2022 và hoàn thành tất cả các hạng mục vào tháng 10/2023. Nhà máy được đầu tư công nghệ xử lý của Nhật Bản. Khi đi vào hoạt động Nhà máy có công suất xử lý 600 tấn rác thải mỗi ngày, giúp giảm lượng rác thải chôn lấp tại tỉnh Bắc Ninh nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Từ đó, giảm thiểu các tác động đến môi trường đồng thời giải quyết được vấn đề thiếu hụt điện năng nhờ đốt rác thải và tận dụng thu hồi nhiệt năng sinh ra trong quá trình đốt để tạo năng lượng điện (tái chế nhiệt). Ước tính, Nhà máy bổ sung vào lưới điện Quốc gia khoảng 100 triệu KWh/mỗi năm...

Hoàng Vân  (TTXVN)
Phân loại rác - từ cơ chế đến hành động - Bài 1: Áp lực xử lý rác thải sinh hoạt
Phân loại rác - từ cơ chế đến hành động - Bài 1: Áp lực xử lý rác thải sinh hoạt

Quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số dẫn tới phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có xu hướng tăng cao, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý chất thải. Phân loại rác tại nguồn được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN