Tiềm năng lớn
Thông tin tại lễ công bố, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản Như Văn Cẩn cho biết, ngành thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho khoảng 5 triệu lao động. Nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi nhuyễn thể nói riêng gần đây có sự chuyển biến tích cực, từ tự cung tự cấp, sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung hướng đến xuất khẩu.
Nghề nuôi ngao Meretrix Lyrata có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Sông Cửu Long, được nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và đưa vào phát triển nuôi ở hầu hết các tỉnh ven biển, có những bước phát triển mạnh mẽ cả về diện tích và sản lượng nuôi, đã và đang vươn lên trở thành một trong bốn ngành thủy sản nuôi công nghiệp chủ lực của Việt Nam gồm: tôm, cá tra, cá rô phi và ngao.
Diện tích nuôi ngao và các loài nhuyễn thể tính đến năm 2019 ước khoảng 41.500 ha với tổng sản lượng gần 310.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt gần 94 triệu USD; trong đó, ngao là 63 triệu USD.
Khi nghề nuôi ngao phát triển đã khai thác một cách hiệu quả diện tích bãi triều ven biển và tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động tại các địa phương của Việt Nam.
Các sản phẩm ngao Meretrix Lyrata của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường nhiều nước trên thế giới như: các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...; trong đó, thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng 52% tổng sản lượng ngao xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên ngành ngao thời gian vừa qua cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, vấn đề kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và những yêu cầu ngày càng cao của nước nhập khẩu với các hệ thống chứng nhận dày đặc...
Trước bối cảnh hội nhập toàn cầu, đặt ra yêu cầu phải phát triển bền vững, sản xuất theo hướng đạt các chứng nhận quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm và thúc đẩy các chương trình, dự án tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị thương hiệu cho ngành ngao Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do như: TPP, FTA, EVFTA... mở ra nhiều cơ hội giao thương cho ngành thủy sản nói chung và ngành hàng ngao nói riêng. Để nắm bắt cơ hội thị trường, cũng như tham gia thị trường trên diện rộng, việc thực hành sản xuất bền vững và gắn kết theo chuỗi luôn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp thủy sản và là xu hướng chung của thị trường.
Theo thống kê, mỗi năm, ngành thủy sản đóng góp hơn 3% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP). Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngao là một trong 4 sản phẩm nuôi trồng thủy sản chủ lực của Việt Nam.
Tại Nam Định, ngao là mặt hàng chủ lực. Để hướng tới nâng cao giá trị và thương hiệu cho ngành ngao tỉnh Nam Định nói riêng và ngao Việt Nam nói chung, được sự hỗ trợ tư vấn của Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định phối hợp với Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam cùng các hộ nuôi ngao trong tỉnh triển khai Dự án “Liên kết chuỗi ngao theo ASC tỉnh Nam Định - Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam”…
Định danh ngao Việt
Với sự hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh Nam Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND huyện Nghĩa Hưng, Trung tâm ICAFIS, RECERD, vào tháng 5/2020, “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” ở xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, quy mô 500 ha, sản lượng 10.000 tấn đã vinh dự là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam, đầu tiên trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata.
Đây là cột mốc quan trọng, góp phần định danh sản phẩm ngao Việt Nam trên trường quốc tế, nó được ví như “VISA VIP” để sản phẩm ngao Việt Nam đi vào nhiều thị trường, giúp thương hiệu ngao Việt Nam vươn xa.
Chứng nhận ASC là tiêu chuẩn quốc tế về nuôi thuỷ sản bền vững được thiết lập bởi Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) vào năm 2010. Chứng nhận ASC đã có 8 bộ tiêu chuẩn cho 12 loài nuôi thuỷ sản, trong đó có ngao. Tính đến nay, ước có trên 700 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên 40 quốc gia đã đạt chứng nhận ASC cho các sản phẩm nuôi. Sản phẩm đạt chứng nhận ASC được người tiêu dùng ưa chuộng tại nhiều thị trường, nhất là thị trường châu Âu.
Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS chia sẻ, theo khảo sát trên thị trường, với việc sản phẩm ngao được chứng nhận ASC sẽ có nhiều thị trường và hệ thống siêu thị cao cấp tại các nước đặt hàng. Thị trường Nhật Bản giành một ưu tiên đặc biệt cho các sản phẩm thuỷ sản đạt chứng nhận bền vững ASC, MSC (tiêu chuẩn đánh bắt thủy sản bền vững của Hội đồng Quản lý Biển quốc tế) tại thế vận hội mùa hè tổ chức vào năm 2021. Đây là cơ hội tốt cho sản phẩm ngao ASC của Việt Nam bày bán và ra mắt cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, qua chứng nhận ASC cho vùng nuôi ngao Nam Định cho thấy, trình độ nuôi trồng, sản xuất, chế biến ngao của Việt Nam không thua kém quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến của các nước trên thế giới. Với chứng nhận ASC, sắp tới sản phẩm ngao của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất đi nhiều quốc gia. Đây là những tiền đề quan trọng, có thể gọi là cơ hội “vàng” để thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy hải sản nói chung, nuôi ngao nói riêng tại Việt Nam cũng như ở tỉnh Nam Định phát triển lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, song song với cơ hội lớn cũng đặt ra thách thức, trách nhiệm không nhỏ đối với cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ sở nuôi trồng của Việt Nam. Đối với các cơ sở nuôi ngao phải thay đổi tư duy, không thể giữ mãi phương thức nuôi trồng truyền thống, nhỏ lẻ, tự phát mà xây dựng, quy hoạch vùng sản xuất lớn, liên kết sản xuất, áp dụng các quy chuẩn an toàn theo đúng quy định của quốc gia, quốc tế.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải giám sát chặt chẽ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất ngao như: chất lượng con giống, quy trình chăm sóc, đánh bắt, chế biến, bảo quản, đặc biệt là chú ý đến chất lượng môi trường nuôi để đảm bảo các chỉ số về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan thông tin thêm, vùng nuôi ngao liên kết Lenger Farm với diện tích 500 ha ở xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Bãi nuôi ngao Lenger Farm nằm gần cửa sông Đáy và vùng sinh quyển thuộc thị trấn Rạng Đông, được UNESSCO đưa vào danh sách địa danh thuộc khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng, thuận lợi cho việc nuôi ngao. Lenger Farm do hộ nuôi ngao Phạm Nhất Thống thay mặt các hộ nuôi ngao trên địa bàn làm chủ.
Ông Thống là một trong những người có nhiều kinh nghiệm nuôi ngao. Đây cũng là địa chỉ cung cấp ngao nguyên liệu chính cho nhà máy chế biến ngao của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam theo mô hình liên kết chuỗi nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ tại Nam Định.
Nhờ nắm được xu thế của thị trường thế giới và trong nước về yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hướng đến phát triển nuôi trồng bền vững, có trách nhiệm xã hội, ông Phạm Nhất Thống cùng các hộ nuôi ngao ở xã Nam Điền đã hợp tác với Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam tiến hành các thủ tục đăng ký chứng nhận ASC với tổ chức chứng nhận Control Union, phối hợp với các cơ ban ngành các cấp trong tỉnh Nam Định và huyện Nghĩa Hưng thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn mà chứng nhận ASC đòi hỏi.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, vùng nuôi ngao của tỉnh vẫn còn khoảng 3.000 ha ở các huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng, có khả năng đáp ứng yêu cầu của ASC… Vì vậy, Nam Định đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan, khảo sát, đánh giá, tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, chế biến ngao xuất khẩu và chứng nhận ASC đối với các vùng nuôi ngao khác trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu, các địa phương có vùng nuôi trồng ngao phải có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp về địa phương phối hợp cùng với người dân liên kết sản xuất ngao đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, đời sống và thu nhập cho người dân.