Chứng khoán Hong Kong 2014: Khổ trước sướng sau

Phiên giao dịch đầu tiên năm 2014 của thị trường chứng khoán Hong Kong diễn ra với sự trồi sụt, khác hẳn khí thế hừng hực trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2013 dường như dự báo một năm không dễ dàng cho các nhà đầu tư.

Chỉ số doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở Hong Kong (bôi vàng) tiếp tục giảm điểm hôm 2/1.


Mở cửa phiên giao dịch hôm 2/1, cũng là phiên giao dịch đầu tiên của năm 2014, Chỉ số Hang Seng tăng 146 điểm, đạt 23.469 điểm, nhưng sau đó bắt đầu giảm vì hứng chịu thông tin không mấy tích cực là Chỉ số PMI tháng 12 do cơ quan thống kê Trung Quốc công bố thấp hơn dự báo.

Cộng thêm việc Ngân hàng HSBC công bố Chỉ số PMI tháng 12 của Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong 3 tháng gần đây, Chỉ số Hang Seng đã có lúc giảm tới 133 điểm, xuống còn 23.173 điểm.

Gần trưa, sự hồi phục bắt đầu xuất hiện, nhưng đó là quá trình hồi phục theo mô hình răng cưa, không hề thuận lợi cho dù đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của năm 2014, Chỉ số Hang Seng đạt 23.340,05 điểm, tăng 33,66 điểm, tức 0,1% so với mức chốt của năm 2013.

Một năm trước, trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2013, thị trường chứng khoán Hong Kong cũng mở cửa với sự đi lên về chỉ số, nhưng đà đi lên tiếp tục được duy trì trong cả phiên.

Việc Chính phủ và Quốc hội Mỹ chính thức đạt được thỏa thuận về cách xử lý vấn đề “vách đá tài khóa” khi chỉ còn cách thời hạn chót 1/1/2013 vài giờ đã tạo cú hích mạnh đối với thị trường chứng khoán thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Hong Kong nói riêng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/1/2013, Chỉ số Hang Seng tăng 655 điểm, gần với mức cao nhất của cả phiên, nhưng sau đó, trong năm 2013, thị trường chứng khoán Hong Kong lại diễn ra trong trồi sụp, chỉ tăng 649 điểm, tức là chưa đầy 3% so với năm 2012, kém xa thị trường chứng khoán Âu-Mỹ và Nhật Bản.

Nguyên nhân là do trong rổ cổ phiếu tính Chỉ số Hang Sen, cổ phiếu các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong chiếm tỉ trọng lớn. Trong khi đó, các cổ phiếu này chịu tác động mạnh từ thị trường chứng khoán Trung Quốc vốn giảm liên tiếp trong 4 năm qua và giảm 6,8% trong năm 2013.

Trở lại với tương lai năm 2014, thị trường chứng khoán Hong Kong được cho là tiếp tục chịu tác động mạnh mẽ từ các diễn biến kinh tế của Mỹ và Trung Quốc với bước khởi đầu của năm 2014 nhiều khả năng không có lợi cho thị trường chứng khoán.

Đành rằng việc Mỹ cắt giảm chính sách nới lỏng định lượng (QE) xuất phát từ niềm tin hồi phục kinh tế, nhưng về ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tới tính thanh khoản của thị trường, thậm chí nhiều chuyên gia kinh tế còn tính tới việc Hong Kong sẽ phải tăng lãi suất nếu dòng tiền rút mạnh.

Khả năng này xảy ra, không những thị trường chứng khoán Hong Kong sẽ phải chịu “cú đấm bồi” mà thị trường bất động sản cũng đối mặt với nguy cơ lớn khi gánh nặng lãi suất đè lên vai người mua nhà và ảnh hưởng tới quyết định của những người đang có kế hoạch mua nhà.

Đối với nhân tố Trung Quốc, diễn biến trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2014 của chứng khoán Hong Kong và chứng khoán Trung Quốc cho thấy ngoài tác động tiêu cực từ số liệu kinh tế, còn chịu ảnh hưởng từ việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoc) không có bất cứ thao tác nghiệp vụ nào trên thị trường mở.

Từ những diễn biến trên thị trường mở ở Trung Quốc có thể thấy PBoc sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt trong ổn định, không phát đi tín hiệu “nới lỏng" và tính thanh khoản sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới sự phát triển của cả thị trường chứng khoán Trung Quốc lẫn thị trường chứng khoán Hong Kong.

Tình hình sẽ trở nên khả quan khi vấn đề “khan tiền” ở Trung Quốc được giải quyết, các biện pháp cải cách mang đến tác động tích cực đối với các doanh nghiệp nước này và xu thế phục hồi vững chắc của kinh tế Mỹ.

Dự kiến trong ngắn hạn, Chỉ số Hang Seng sẽ dao động trong khoảng từ 23.000 điểm tới 23.500 điểm, trong năm 2014, Chỉ số Hang Seng có thể đạt đỉnh ở mức 24.000 điểm như Ngân hàng HSBC dự báo hoặc lạc quan nhất là 28.000 điểm như Ngân hàng UBS dự báo.


Tin, ảnh: Hà Ngọc(P/v TTXVN tại Hong Kong)


Chỉ số PMI của Trung Quốc thấp nhất trong 3 tháng
Chỉ số PMI của Trung Quốc thấp nhất trong 3 tháng

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tạm tính tháng 12 của Trung Quốc không chỉ thấp hơn tháng 11, mà còn thấp hơn so với dự đoán của các chuyên gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN