Chứng khoán châu Á tăng điểm, giá dầu đi lên

Trong phiên giao dịch sáng 3/7, thị trường chứng khoán châu Á vẫn giữ ở mức cao của hai năm qua, khởi đầu một tháng mới với tín hiệu tăng trưởng ổn định sau hai quý đầu năm khởi sắc, trong bối cảnh triển vọng thắt chặt tín dụng của các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn gây áp lực lên thị trường trái phiếu toàn cầu.

Bảng tỉ giá chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, Nhật Bản ngày 14/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,1%. Thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng cao sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản công bố báo cáo Tankan cho thấy chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp lớn vượt kỳ vọng, trong bối cảnh cuộc bầu cử ở Tokyo ghi nhận sự thất bại nặng nề của đảng cầm quyền ở nước này.  Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 12,47 điểm (0,07%), lên 20.046,90 điểm.

Tại thị trường Seoul, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 3,17 điểm (0,13%), lên 2.394,96 điểm sau khi thị trường mở cửa được 15 phút. Trong khi đó, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia lại giảm 8,50 điểm (0,15%), xuống 5.713 điểm.

Trong khi, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải giảm nhẹ 0,43 điểm, xuống 3.192 điểm. Ngoài ra, tại thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng để mất 109,81điểm (0,43% ) xuống 25.654,77 điểm.

Các tín hiệu ổn định của nền kinh tế Trung Quốc và sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu, đã giúp thị trường chứng khoán toàn cầu tăng cao trong nửa đầu năm 2017.

Trong phiên sáng nay, đồng yen Nhật tăng nhẹ so với đồng USD trong phiên đầu tuần này khi giao dịch ở mức 112,28 yen/USD, giảm nhẹ so với mức giao dịch 112,45 yen/USD tại thị trường New York trong phiên cuối tuần qua.

Trong phiên giao dịch sáng 3/7, giá dầu châu Á tăng do hoạt động khoan dầu của Mỹ lần đầu tiên suy giảm trong nhiều tháng qua, mặc dù sản lượng gia tăng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã phần nào kiềm chế đà tăng của giá dầu.

Cụ thể, tại thị trường Singapore, vào lúc 8 giờ 37 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 6 xu Mỹ, hay 0,1% lên 48,83 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng 15 xu Mỹ, hay 0,3% và được giao dịch ở mức 46,19 USD/thùng.

Giới đầu tư cho rằng giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng mạnh hơn so với giá dầu Brent Biển Bắc sau khi số giàn khoan dầu của Mỹ lần đầu tiên trong 23 tuần qua giảm 2 giàn xuống còn 756 giàn. Dù vậy, tổng số giàn khoan vẫn cao hơn gấp đôi so với con số 341 giàn cùng kỳ năm ngoái, theo Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.

Hơn nữa tâm lý đầu tư vào dầu Brent cũng bị hạn chế còn do sản lượng dầu của OPEC trong tháng Sáu vừa qua đã tăng 280.000 thùng/ngày lên 32,72 triệu thùng/ngày, bất chấp cam kết cắt giảm sản lượng nhằm thắt chặt thị trường của khối này.

Sản lượng cao của OPEC phần lớn là do sản lượng gia tăng của Nigeria và Libya, vốn là hai nước được miễn tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, và nguồn cung gia tăng từ các nước này đã lấn át những nỗ lực hạn chế nguồn cung của các nước thành viên khác như Saudi Arabia.
 
TTXVN/Tin Tức
Chứng khoán tuần từ 3- 7/7: Dự báo cổ phiếu tiếp tục phân hóa mạnh
Chứng khoán tuần từ 3- 7/7: Dự báo cổ phiếu tiếp tục phân hóa mạnh

Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng như BID, CTG, STB, VCB, MBB, SHB,… tiếp tục tăng là nhân tố chính giúp các chỉ số chung tăng điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN