Nguồn cung tăng đột biến
Đây là lần bán gạo ra thị trường thế giới lớn chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu lúa gạo của nước này. Theo kế hoạch, chỉ trong vòng 60 ngày, Thái Lan sẽ bán ra lượng gạo nhiều hơn cả số lượng xuất khẩu trong cả năm (trung bình mỗi năm nước này xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn gạo). Hiện Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, sau Ấn Độ.
Là một chuyên gia hàng đầu về lúa gạo Việt Nam, GS Võ Tòng Xuân không bất ngờ trước động thái này của Thái Lan. Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức chiều 26/4, chuyên gia này cho biết, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khi lên nắm quyền đã cho thu gom gạo của nông dân với giá cao. Tuy nhiên đến nay, lượng gạo tồn dư quá lớn, trong khi nông dân gây áp lực đòi thanh toán buộc chính phủ nước này phải bán gạo ra với giá thấp, tức là chính phủ chịu lỗ.
Xuất khẩu gạo trong quý I/2016 đạt 1,55 triệu tấn, tăng 38% so cùng kỳ.Ảnh: TTXVN |
Sau khi lên nắm quyền, chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã dừng chương trình dự trữ lúa gạo từ thời cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, đồng thời tăng mạnh lượng gạo bán ra thị trường thế giới. Từ tháng 5/2014, Thái Lan đã bán 5,05 triệu tấn gạo theo nhiều hợp đồng cấp chính phủ, thu về 1,5 tỷ USD.
Ứng phó phù hợp
Hiện nhu cầu thế giới là khoảng 40 triệu tấn gạo/năm. Trong đó, Ấn Độ và Thái Lan là hai nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, mỗi năm xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn gạo. Việt Nam mỗi năm xuất khẩu khoảng 6 - 7 triệu tấn gạo.
Gạo của Việt Nam thường khó cạnh tranh với gạo Thái Lan giá cả và chất lượng. “Gạo Thái Lan có thương hiệu, trong khi đó gạo Việt Nam không có thương hiệu, không truy xuất được nguồn gốc do thương lái thu gom gạo của quá nhiều đầu mối”, GS Xuân cho biết.
Theo phân tích của chuyên gia Võ Tòng Xuân, nếu Thái Lan xả gạo và dùng “chiêu” hạ giá thì sức ép về nguồn cung và giá cả vẫn tăng lên. “Khi Thái Lan ồ ạt tung ra thị trường hơn 11 triệu tấn gạo với giá rẻ hơn thì sức ép cạnh tranh của gạo Việt Nam sẽ càng lớn hơn. Nếu khách hàng đổ xô mua gạo Thái, các nước xuất khẩu gạo khác có thể buộc phải giảm giá khi bán cho các thị trường như Indonesia, Philippines...”, GS Xuân nói.
Tuy nhiên, GS Võ Tòng Xuân cũng lưu ý là gạo tồn kho Thái Lan bán chủ yếu là gạo chất lượng thấp, gạo cũ nên chủ yếu dùng cho chế biến công nghiệp và cho chăn nuôi, không phải là đối tượng khách hàng mà Việt Nam đang trực tiếp cạnh tranh.
Theo kế hoạch, các đợt đấu giá gạo hàng tuần sẽ được bắt đầu từ tuần tới và kéo dài suốt tháng 5 và tháng 6, mỗi lần sẽ đấu giá khoảng 1 triệu tấn gạo. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết hiện nước này còn trữ khoảng 100.000 tấn gạo “chất lượng tốt”, 7,5 triệu tấn gạo chất lượng “dưới tiêu chuẩn”, 1,5 triệu tấn gạo dùng cho chế biến sản phẩm công nghiệp và 2,4 triệu tấn gạo mục, hỏng.
Theo GS Võ Tòng Xuân, trước mắt, để cạnh tranh với gạo Thái Lan, Việt Nam tìm kiếm mở rộng thị trường khách hàng mua. Hiện nay, khách hàng truyền thống của gạo Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Philippines, Indonesia... Về giải pháp lâu dài, vẫn phải chú trọng nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam để giúp tăng giá gạo xuất khẩu bền vững và thâm nhập tốt hơn vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trong khi đó, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết vẫn chưa nắm được động thái này của Thái Lan. Vị này cho biết sẽ kiểm tra thông tin từ phía thương vụ Việt Nam tại Thái Lan để có các giải pháp ứng phó phù hợp.