Đến năm 2015, thị trường bán lẻ sẽ mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp (DN) ngoại mở rộng chuỗi tại Việt Nam. Lúc ấy, cuộc chiến giữa các nhà bán lẻ nội và các nhà bán lẻ ngoại mới chính thức bắt đầu. Song ngay từ bây giờ, nhiều người đã lo lắng cho số phận của hàng Việt.Không thể ưu tiên mãiTại hội thảo về thị trường bán lẻ diễn ra ngày 3/10, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Siêu thị Coop Mart khu vực miền Bắc và miền Trung cho biết, siêu thị đều có tiêu chuẩn về mặt kĩ thuật để có sự ưu tiên hơn cho hàng Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn phải tôn trọng sự phát triển công bằng giữa hàng Việt và hàng ngoại.
Các “đại gia” bán lẻ ngoại ngày càng mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Trần Việt - TTXVN. |
Đại diện một nhà bán lẻ nội khác, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó TGĐ Siêu thị Hapro cho biết, DN đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà bán lẻ ngoại tại Hà Nội. Mặc dù DN không đòi hỏi được ưu tiên nhưng đề xuất vẫn duy trì quy định về một số mặt hàng mà các DN nước ngoài không được phép phân phối tại Việt Nam.
Về điều này, bà Đinh Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ cho biết: Hiện nay các DN có vốn đầu tư nước ngoài dưới 45% hoặc diện tích mặt bằng bán lẻ dưới 500 m2 thì được miễn áp dụng quy định về một số mặt hàng không được phép phân phối như lúa gạo, đường mía, đường củ cải, thuốc lá, sách báo, kim loại quý… Điều này được cho rằng sẽ mở đường cho việc các hãng bán lẻ lớn mở rộng kinh doanh theo dạng chuỗi với những cửa hàng nhỏ, cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng bán lẻ của DN Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là bước mở cửa tiếp theo mà các DN trong nước buộc phải thích nghi.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhất trí cho rằng, khi thuế suất bằng 0, hàng ngoại sẽ tràn vào Việt Nam. Hàng Việt bán được bao nhiêu trong siêu thị chính là do thị trường quyết định. “Nếu hàng Việt tốt thì không cần hô hào người ta cũng sẽ bán nhiều lên”, ông Phú khẳng định.
Trên phương diện quản lý nhà nước, ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết, không có quy định cụ thể siêu thị ngoại phải bán bao nhiêu hàng Việt mà chỉ khuyến khích họ bán hàng Việt, đặc biệt là những mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được thì hạn chế nhập khẩu.
Đề xuất liên doanh với nước ngoàiÔng Phạm Đình Đoàn, TGĐ Tập đoàn Phú Thái, cho rằng, trước sau gì Việt Nam cũng phải mở cửa hoàn toàn. Cần nhìn nhận khi nhà bán lẻ ngoại vào thì sẽ tạo sự cạnh tranh với DN nội, đồng thời chính người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi khi có thêm quyền lựa chọn. Ông Đoàn đề nghị Bộ Công Thương “bật đèn xanh” cho DN nội liên doanh với nước ngoài, bởi nếu để DN nội tự thân vươn lên thì không biết bao giờ mới đuổi kịp các DN ngoại. Ông Đoàn cũng phân tích 3 yếu tố đang là điểm yếu của các DN bán lẻ Việt Nam.
“Về công nghệ, tôi có thể nói thẳng là Việt Nam không bao giờ bằng nước ngoài. Tôi sang Trung Quốc xem các dây chuyền nhập hàng tự động tại các siêu thị là đã thấy hiện đại hơn Việt Nam rất nhiều rồi. Nhưng khi sang Nhật, người ta nói, công nghệ Nhật còn đi trước Trung Quốc 30 năm. Thứ hai là về thương hiệu, các nhà bán lẻ nội hầu như chưa có tên tuổi trên thế giới. Do đó khi đàm phán với các nhà cung cấp nước ngoài thì rất khó khăn. Về vốn, ta cũng thua kém nước ngoài rất nhiều. Một DN bán lẻ nội có tổng vốn 1.000 tỷ đồng, tương đương 50 triệu USD đã là cao. Nhưng so với Siêu thị Walmart (của Mỹ), lãi quý đã lên đến 5 tỷ USD thì mới thấy ta chưa là gì. Chỉ có liên doanh, liên kết với nước ngoài thì ta mới khắc phục được 3 điểm yếu này”, ông Đoàn phân tích.
Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng ghi nhận ý kiến của nhiều thành viên mong muốn được liên doanh với nước ngoài thông qua phương thức cho nước ngoài góp vốn, bởi như vậy DN Việt sẽ có thêm vốn và công nghệ hiện đại. “Có 50% chiếc bánh ăn được còn hơn 100% cái bánh quá ‘đát’”, ông Đoàn ví von.
Về vấn đề liên doanh với nhà bán lẻ nước ngoài, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, DN trong nước cần tính kĩ kẻo vốn của mình sẽ “teo tóp” dần và rồi cuối cùng bị thôn tính. “Trong điều kiện trước mắt, Nhà nước có thể ưu tiên DN trong nước thông qua việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, thủ tục hành chính, thời gian kê khai thuế. Thay vì đặt ra rào cản cho hàng ngoại, tại sao không gỡ chính các rào cản này cho DN nội”, ông Phú nói.
Còn theo bà Đinh Mỹ Loan, trong nền kinh tế thị trường, việc liên doanh, mua bán sáp nhập là hoạt động rất bình thường. Một số ý kiến cho rằng khi liên kết, các DN Việt Nam sẽ bị nước ngoài thôn tính là chưa chính xác. “Có điều, các DN phải tự tính toán sao cho khi liên kết thì phải kinh doanh hiệu quả”, bà Loan cho hay.
Cho rằng các rào cản kĩ thuật hiện nay không thể giúp hàng Việt “chống chọi” trước cuộc đổ bộ của hàng ngoại, các chuyên gia đề nghị các nhà bán lẻ trong nước phải tự lực vươn lên, cùng với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. |
Hoàng Dương