Mặc dù chưa bước vào vụ đông xuân và nguồn cung được khẳng định không thiếu nhưng thời gian gần đây, giá phân bón trên thị trường tăng mạnh. Sự tăng giá này, ngoài yếu tố tác động từ thị trường thế giới, còn có những dấu hiệu bất thường tại thị trường trong nước.
Chuẩn bị vào vụ mùa nên sức mua phân bón tăng cao. Ảnh : Lê Phú |
Gần một tháng qua, giá các loại phân bón tăng mạnh, đặc biệt là urê ở các tỉnh phía Nam, nhiều loại đã tăng trên 1.000 đồng/kg. Hiện giá bán buôn tại công ty đã vượt mức 11.000 đồng/kg và khi đến tay người tiêu dùng, giá vượt trên 12.000 đồng/kg.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao, nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Hiện nay, Việt Nam vẫn phụ thuộc tới 55% lượng urê nhập khẩu nên khó tránh khỏi những tác động về giá mỗi khi thị trường thế giới có biến động.
Ở thời điểm này, nhiều nước trong khu vực đang chuẩn bị vào vụ mùa nên doanh nghiệp cũng như nông dân tăng cường mua vào. Cùng với đó, các nước cũng tăng lượng dự trữ và Trung Quốc thắt chặt xuất khẩu khiến giá phân bón tăng cao trong thời gian gần đây. Tương tự, ở trong nước, nhu cầu phân bón chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới cũng tăng cao cùng với việc giá vàng, giá USD tăng đã tác động tới việc phân bón nhập khẩu tăng giá.
Ngoài ra, do phải bảo dưỡng định kỳ, Tổng Công ty Phân bón - Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã ngừng sản xuất một tháng khiến nguồn cung cũng có phần hạn chế. Tuy nhiên, chỉ sau ngày công bố về việc ổn định sản xuất trở lại và ký hợp đồng nhập khẩu hơn 40.000 tấn phân bón các loại, trong đó khoảng 5.500 tấn urê nhằm đáp ứng nhu cầu vụ đông xuân, PVFCCo đã thông báo tăng giá bán urê Phú Mỹ thêm 700 đồng/kg, ở mức 11.000 đồng/kg, kể từ ngày 1/9.
Thông thường, khi urê qua các đại lý cấp 1, cấp 2 rồi tới cấp 3, giá bán lẻ sẽ tăng thêm khoảng 1.000 đồng/kg, tương đương với mức 12.000 đồng/kg. Tùy từng thời điểm, DPM có những điều chỉnh giá bán linh hoạt để vừa đảm bảo có lợi cho nông dân, vừa không hạn chế lượng nhập khẩu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu trên 2,3 triệu tấn phân bón các loại, tăng trên 550.000 tấn so với cùng kỳ năm 2010. Còn theo Tổng cục Thống kê, mặc dù PVFCCo ngừng sản xuất một tháng nhưng chỉ số sản xuất phân bón trong 8 tháng qua tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, lượng phân bón cả sản xuất trong nước và nhập khẩu đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều đại lý kinh doanh phân bón cho rằng giá phân bón tăng trong thời gian gần đây không chỉ tác động từ thị trường thế giới mà còn do nguồn cung thiếu hụt, một số thời điểm nhập hàng nhưng không có. Bên cạnh đó, sắp đến mùa vụ, do cơ chế kinh doanh không minh bạch khiến cho thị trường cạnh tranh bị lũng đoạn và có thể doanh nghiệp kinh doanh phân bón đang ém hàng, tạo khan hiếm nguồn cung trên thị trường, chờ thời cơ tăng giá.
Một số chuyên gia trong ngành nhận định do nhu cầu phân bón chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới tăng cao cùng xu hướng giá thế giới tiếp tục tăng, giá phân bón tại thị trường trong nước thời gian tới chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Dự báo, giá phân bón trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến khó lường và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Theo Bộ Công Thương, tuy năng lực sản xuất là gần 1 triệu tấn phân đạm nhưng tổng nguồn cung phân đạm trong nước mới đáp ứng một nửa nhu cầu của thị trường. Dự kiến, cuối năm nay, sẽ có thêm hai nhà máy sản xuất phân đạm đi vào hoạt động là nhà máy đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà máy phân đạm sản xuất từ than cám tại Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, góp phần đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần duy trì sản xuất ở mức cao nhất để cung ứng tối đa sản phẩm đến tay người nông dân. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tích cực tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu đảm bảo chất lượng, có giá tốt nhất để bổ sung cho nguồn cung trong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt hơn, điều chuyển hàng đến các vùng miền, tăng khả năng cung ứng tại chỗ, can thiệp nhanh khi phát sinh nhu cầu cục bộ tại từng khu vực.
Văn Xuyên