Chưa cấm ngay việc mua bán vàng miếng

Chiều qua (1/3), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu đã trả lời báo chí về những vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm là: Quản lý sàn vàng, ngoại hối và lãi suất trên thị trường.

Trong phiên họp giao ban trực tuyến của Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN xây dựng Nghị định về việc quản lý vàng vật chất. Nghị định này sẽ quy định việc quản lý thị trường vàng miếng theo hướng nào, thưa Thống đốc?

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho NHNN xây dựng Nghị định mới về quản lý vàng vật chất, thay cho Nghị định 174 cũ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Hiện nay, cơ bản đã hoàn thành, chúng tôi đang lấy thêm ý kiến cấp bộ rồi sau đó xin ý kiến Chính phủ.

Trước đây vàng được xem là hàng hóa lưu thông trên thị trường. Trong vài năm gần đây, thị trường vàng xuất hiện nhiều hiện tượng như đầu cơ, vàng miếng trở thành phương tiện thanh toán trong lưu thông, được tính bằng cây, bằng chỉ... Trong dự thảo nghị định mới sẽ có ý rất rõ là tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, nhưng không làm ngay. Như vậy sẽ không gây bất lợi cho nền kinh tế và quyền lợi của nhân dân. Chúng tôi sẽ dựa trên cơ sở cân nhắc hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam về lịch sử, tập quán và thói quen lưu giữ vàng của người dân. Dự thảo Nghị định mới hướng đến việc giải phóng năng lực sản xuất từ vàng, coi vàng là tài sản của nền kinh tế, cần đưa vào sản xuất để tạo ra của cải vật chất.

Trong trường hợp giá vàng trong nước xuống thấp so với giá vàng thế giới khi Nghị định mới chính thức có hiệu lực, NHNN có thể sẽ ủy thác qua một số tổ chức mua để cân bằng thị trường hoặc cho phép xuất khẩu nhằm lấy ngoại tệ về.

Vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu các tập đoàn bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại để bán lại cho NHNN, việc này đã được tiến hành như thế nào, thưa Thống đốc?

Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều chấp hành tốt chỉ đạo này, các công ty con đang xem xét bán lại ngoại tệ cho ngân hàng. Động thái này đã tác động mạnh tới thị trường tự do. Vì vậy, tỷ giá ngoài thị trường tự do giảm rất nhanh, giá đô la chiều 1/3 còn khoảng 21.600 đồng/USD.

Về việc cho vay ngoại tệ, sẽ chuyển dần quan hệ vay mượn sang mua bán ngoại tệ. Những đối tượng tái tạo lại được ngoại tệ sẽ được xem xét cho vay, còn những đối tượng không tái tạo sẽ chuyển dần qua mua bán. Nhưng để giải quyết căn cơ vấn đề ngoại tệ của nền kinh tế thì cần phải cơ cấu lại nó, tiến dần cân bằng xuất nhập khẩu để có nguồn ngoại tệ dồi dào, nguồn cung lúc nào cũng lớn hơn cầu thì mọi việc sẽ trở nên quy củ. Nếu tình hình nhập siêu vẫn như hiện nay thì trong quá trình điều hành sẽ còn điều chỉnh.

Theo chỉ thị số 01 CT - NHNN được NHNN ban hành ngày 1/3, tỉ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất sẽ được điều chỉnh giảm mạnh nhằm khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Các tổ chức tín dụng, theo đó phải thực hiện giảm tốc độ và tỉ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Cụ thể tỉ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa từ 22% đến ngày 30/6/2011 sẽ giảm còn tối đa 16% vào thời điểm 31/12/2011. NHNN sẽ áp dụng tỉ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai lần so với tỉ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với tổ chức tín dụng và biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012 đối với trường hợp tổ chức tín dụng chưa thực hiện được tỉ trọng trên theo lộ trình. Trong trường hợp tốc độ tăng tín dụng đến 30/6/2011 vượt mục tiêu theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật để kiểm soát.



Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN